Theo đó, nhằm phát huy truyền thống tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách", nhân ái, nghĩa tình, "thương người như thể thương thân" của dân tộc ta, để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn tỉnh trong năm 2025; Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, hộ gia đình và mỗi người dân phát huy cao nhất trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu, chung tay góp sức để phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát lan tỏa rộng khắp trong xã hội, cộng đồng, đạt hiệu quả thực chất, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân”; trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm như: Thi đua huy động, vận động các nguồn lực của nhà nước, của xã hội, doanh nghiệp, của toàn dân thực hiện thành công mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2025 với sự chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, xã hội và người dân. Trong đó, nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng với nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở; kết hợp nội lực với ngoại lực thông qua việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Thi đua tham mưu cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả, góp phần thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.
Cán bộ mặt trận xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) tích cực vận động xây nhà đại đoàn kết cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo. Ảnh: Văn Nỷ
Thi đua xây dựng các công trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đảm bảo an toàn, có chất lượng, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện, đặc điểm, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc và đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Thi đua sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy định, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí với nguyên tắc hỗ trợ đến từng hộ gia đình, phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Thi đua thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai, hưởng ứng phong trào thi đua với nội dung thiết thực, hình thức phong phú, sâu rộng, đồng bộ, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở nhằm góp phần huy động mọi nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân trong thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện phong trào thi đua để kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình, tập thể, hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua và có giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện...
T.D