Theo Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tiêu chuẩn đánh giá chất lượng ban hành kèm theo Thông tư 04 được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo phiên bản 3.0 của Tổ chức bảo đảm chất lượng thuộc Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Đông Nam Á (AUNQA). Khi AUNQA cải tiến bộ tiêu chuẩn đánh giá lên phiên bản mới (4.0), Việt Nam cần cập nhật để vừa phù hợp trong điều kiện của Việt Nam vừa bảo đảm sự hội nhập quốc tế và khu vực, nhất là trong thời gian Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng báo cáo tham chiếu Khung trình độ giáo dục của Việt Nam với Khung trình độ ASEAN và sửa đổi bổ sung Khung trình độ quốc gia Việt Nam trong năm học 2024-2025.
Giờ học ngoại ngữ của sinh viên Lớp K19TV3 Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn.
Ảnh tư liệu: Anh Tuấn/TTXVN
Khác với Thông tư 04, dự thảo Thông tư sửa đổi đã tích hợp hướng dẫn chuyên môn và biểu mẫu vào các phụ lục kèm theo. Bộ tiêu chuẩn trong dự thảo gồm 8 tiêu chuẩn và 52 tiêu chí kèm theo Phụ lục hướng đánh giá tiêu chí và Phụ lục các biểu mẫu. Như vậy, dự thảo sửa đổi rút gọn từ 11 tiêu chuẩn xuống 8 tiêu chuẩn, khắc phục được sự chồng chéo khi đánh giá theo tiêu chuẩn của Thông tư 04.
Dự thảo Thông tư sửa đổi quy định 10 tiêu chí điều kiện là các tiêu chí bắt buộc để chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đây là quy định đang được tổ chức FIBAA (Thuỵ Sỹ) áp dụng, đồng thời phù hợp với bối cảnh và thực trạng xây dựng, phát triển chương trình đào tạo tại Việt Nam hiện nay. Kết quả phân tích kiểm định chất lượng của hơn 1,2 nghìn chương trình đào tạo được đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước từ năm 2017 đến nay cho thấy, các tiêu chí không đạt chủ yếu về thiết kế, xây dựng và đánh giá chương trình. Điều này cũng cho thấy việc xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn đầu ra và việc đánh giá người học; lấy ý kiến phản hồi của các bên liên quan phục vụ cải tiến chất lượng chương trình đào tạo đang là điểm yếu, cần thiết phải có quy định để các trường quan tâm thực hiện.
Theo quy định tại Thông tư 04, đánh giá tiêu chí gồm 7 mức từ 1-7; dự thảo sửa đổi hiện còn 2 mức (đạt - không đạt). Cách tiếp cận đánh giá tiêu chí 7 mức phù hợp để phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong ở giai đoạn đầu mới làm quen và định hình mô hình quản lý chất lượng mà AUNQA tiếp cận xây dựng phù hợp với trình độ các cơ sở giáo dục đại học trong các nước ASEAN. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không phổ biến trong kiểm định chất lượng của nhiều quốc gia và các tổ chức kiểm định quốc tế, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã thực hiện kiểm định đến chu kỳ 2 và có khoảng 10 năm kinh nghiệm triển khai hoạt động kiểm định chất lượng đại học, nên cần điều chỉnh cách đánh giá.
Dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung quy định để mở rộng quyền của tổ chức kiểm định trong việc phát triển các công cụ đánh giá ngoài. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, quy trình và chu kỳ kiểm định. Trên cơ sở đó, các tổ chức kiểm định được xây dựng hướng dẫn chuyên môn, các tiêu chí tích hợp đánh giá chương trình đào tạo thuộc ngành chuyên sâu đặc thù theo quy định của Chính phủ.
Dự thảo Thông tư sửa đổi cũng quy định về hình thức đánh giá, số lượng, thành phần của đoàn đánh giá ngoài, các phiên họp hội đồng và việc số hoá minh chứng, phù hợp với xu thế phát triển, yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, điều chỉnh các quy định liên quan đến yêu cầu đối với kiểm định viên tham gia đoàn đánh giá ngoài.
Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 04 sau khi được ban hành sẽ bãi bỏ các Thông tư quy định tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo một số ngành đặc thù do quy định của các Thông tư này không tương thích với quy định hiện hành về cách đánh giá tiêu chí, tiêu chuẩn.
Theo baotintuc.vn