Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng CSXH đã được các bộ, ban, ngành; Ngân hàng CSXH, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai thực hiện đồng bộ. Nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc, tạo nguồn lực lớn để từng bước mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay, đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn tín dụng CSXH tạo điều kiện giúp trên 21 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn, với doanh số cho vay đạt 733.152 tỷ đồng. Tính đến 31/7/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 350.822 tỷ đồng, tăng 221.365 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Đặc biệt, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 124.020 tỷ đồng/2,2 triệu khách hàng vay vốn. Nguồn vốn đã hỗ trợ thiết thực cho các đối tượng thụ hưởng trong sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, xây dựng nhà ở, công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận.
Hội nghị đã nghe các bộ, ngành trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và hộ vay vốn tham luận về bài học kinh nghiệm qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW; giải pháp huy động nguồn lực tài chính thực hiện tín dụng CSXH; tín dụng CSXH trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; vốn vay đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khẳng định: Chỉ thị số 40-CT/TW ra đời đã thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển kinh tế gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, phản ánh sát thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân. Nhằm thực hiện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ tại Chỉ thị số 40-CT/TW đề ra, Thủ tướng đề nghị toàn hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương tiếp tục vào cuộc; nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến các cấp, các ngành và đối tượng thụ hưởng; tập trung huy động, đa dạng hóa nguồn lực cho vay; nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng CSXH phát triển theo hướng ổn định, bền vững; củng cố hoạt động ủy thác, điểm giao dịch xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn để thực hiện có hiệu quả các chương trình cho vay. Các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn lực cho vay, nhất là ưu tiên nguồn vốn cho giải quyết việc làm, đầu tư xây dựng, cải tạo nhà ở và vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn...
Đăng Khôi