Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Long Biên, Lê Huyền chủ trì Hội thảo. Tham dự hội thảo có đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Ninh Hải; đồng chí Châu Thị Thanh Hà, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Phan Rang-Tháp Chàm; lãnh đạo các cở, ngành, địa phương cùng đại diện trên 150 doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Theo kết quả công bố của VCCI, Chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh Ninh Thuận đạt 69,10 điểm, tăng 3,67 điểm (năm 2022 là 65,43 điểm), tăng 38 bậc so với năm 2021 và tăng 19 bậc so với năm 2022, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; xếp thứ 2/14 tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung, nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI năm 2023 và vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021- 2025, đến năm 2025 nằm trong top 15 tỉnh, thành phố có vị trí xếp hạng cao của cả nước.
Toàn cảnh hội nghị.
Trong 10 Chỉ số thành phần PCI năm 2023 của tỉnh, có 8 chỉ số tăng điểm số và thứ hạng gồm: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Có 2 Chỉ số thành phần giảm điểm số và thứ hạng như: Tính minh bạch và chính sách hỗ trợ DN.
Nhìn chung, trong năm 2023 cho thấy sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN có nhiều tiến bộ, chính quyền tỉnh linh động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề phát sinh cho DN, cắt giảm thời gian đăng ký DN thực hiện tốt, cắt giảm các thủ tục còn rườm rà, giấy phép con để DN nhanh chóng hoàn tất các thủ tục đi vào hoạt động, giảm chi phí gia nhập thị trường. Công tác giải phóng mặt bằng, xác định giá đất và các thủ tục liên quan đến đất đai tiếp tục được các cấp, ngành quan tâm với mục tiêu rút ngắn thời gian, giảm chi phí, tạo niềm tin cho DN, nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Chất lượng phục vụ cũng như chuyên môn của cán bộ đăng ký DN tại bộ phận một cửa được cải thiện rõ rệt, mang lại sự hài lòng cho DN…
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Long Biên, Lê Huyền chủ trì Hội thảo.
Qua đánh giá Chỉ số PCI của tỉnh năm 2023, cảm nhận của DN về môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh khá tốt, nhất là hỗ trợ lao động có tay nghề, thủ tục hành chính đất đai, giải phòng mặt bằng; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN đã có nhiều chuyển biến. Tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện cả chính quyền, DN và người dân; thực hiện xuyên suốt chủ trương “Lấy DN làm trung tâm, chuyển từ tinh thần giải quyết sang tinh thần phục vụ”; nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ DN, nhà đầu tư; nâng cao chất lượng điều hành nhằm cải thiện tốt môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh vì sự phát triển của DN và kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại hội thảo, chuyên gia của VCCI đã đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện Chỉ số PCI, từ đó phân tích các cơ hội thách thức đối với cộng đồng các DN của tỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đồng thời gợi mở các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, sát với thực tế để triển khai trong thời gian tới. Đại diện các DN và các sở, ban, ngành cũng đã trao đổi, phân tích, đánh giá khách quan những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian qua. Đồng thời, đề xuất, hiến kế các giải pháp cho tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội thảo.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh quan điểm: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc; tỉnh Ninh Thuận luôn đồng hành thực chất, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng và phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, bền vững trên địa bàn tỉnh. Đồng chí đề nghị các sở, ngành, địa phương cần quyết liệt, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu Chỉ số PCI tỉnh Ninh Thuận năm 2024 đạt từ 71,70 điểm trở lên (tăng 2,61 điểm so với năm 2023), đưa PCI Ninh Thuận xếp trong nhóm các tỉnh điều hành kinh tế thuộc nhóm tốt của cả nước. Theo đó, các ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng; tập trung thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ. Kiên trì đẩy mạnh cải cách hành chính một cách quyết liệt, trong đó lấy cải cách thủ tục hành chính làm khâu đột phá, lấy công tác hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN làm hạt nhân. Đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, đa dạng hình thức xúc tiến đầu tư. Khẩn trương hoàn thiện và triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đảm bảo đồng bộ, đầy đủ các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và định hướng phát triển các ngành lĩnh vực, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận, xây dựng phương án đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Nâng cao chất lượng quản trị môi trường hướng tới nền kinh tế xanh, khả năng chống chịu thiên tai, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Hiệp hội DN tỉnh, Hội doanh nhân trẻ tỉnh tiếp tục phát huy vai trò tập hợp DN, là cầu nối bền chặt giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng DN, cũng như trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, trong việc xây dựng, triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh cho 9 doanh nghiệp, hợp tác xã dẫn đầu các Khối thi đua của tỉnh trong năm 2023.
Tại Hội thảo, đồng Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng cờ thi đua của UBND tỉnh cho 9 DN, hợp tác xã dẫn đầu các Khối thi đua của tỉnh trong năm 2023. Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên, Lê Huyền đã tặng hoa và bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 6 tập thể và 6 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc cải thiện Chỉ số PCI năm 2023.
-------------
Ý kiến phát biểu của một số đại biểu tại Hội thảo:
Ông Nguyễn Tiến Nghị, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh:
Đến nay Hiệp hội đã kết nạp được gần 200 Hội viên/DN với nhiều thành phần kinh tế và lĩnh vực khác nhau. Hiệp hội đã tổ chức nhiều buổi gặp mặt, cà phê DN nhằm kết nối tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề xuất những kiến nghị của các DN hội viên lên các cơ quan chức năng để tham mưu giải quyết. Chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh Ninh Thuận có thể coi là kỳ tích, để đạt được thành quả đó là sự đồng hành, chỉ đạo của hệ thống hành chính các cấp, nhất là người đứng đầu, tích cực, quyết liệt trong việc lắng nghe, giải quyết khó khăn vướng mắc cho DN. Bên cạnh đó cho thấy vai trò cầu nối quan trọng của Hiệp hội trong việc kết nối DN và chính quyền giúp chính quyền nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của DN và kịp thời giải đáp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN. Trong thời gian tới, các cơ quan, sở, ngành, địa phương cần nắm bắt kịp thời giải quyết những khó khăn, kiến nghị của DN; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi để các DN tiếp cận đất đai; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh công tác đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, nhất là các công trình giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
Ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư :
Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động rà soát, cắt giảm thời gian đăng ký DN từ 40-60% so với quy định; 100% thủ tục đăng ký DN được áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng năm 2023 đạt 80,50% trên tổng số hồ sơ; tích hợp liên thông 1 đầu mối thực hiện 4 quy trình tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, đã rút ngắn thời gian, chi phí gia nhập thị trường cho DN, không phải đi lại nhiều nơi như trước đây. Để tiếp tục duy trì và cải thiện chỉ số thành Chi phí gia nhập thị trường, trong thời gian đến cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính cho DN; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý hồ sơ, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ DN thực hiện thủ tục đăng ký hồ sơ mạng điện tử; nâng cao năng lực, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa của các ngành, địa phương, để thực hiện tốt công tác hỗ trợ DN.
Bà Lê Thị Thanh Hà, Trưởng Phòng Môi trường kinh doanh, Ban Pháp chế VCCI :
Qua kết quả các chỉ số thành phần PCI Ninh Thuận trong thời gian gần đây, nhóm nghiên cứu chúng tôi nhận thấy Ninh Thuận có cải thiện tốt về nhiều mặt, nhất là tính tiên phong năng động của chính quyền tỉnh. Đây là chỉ số thành phần hiện Ninh Thuận đang đứng ở vị trí thứ nhất trong cả nước. Qua đó, cho thấy rằng cộng đồng DN đang ghi nhận chính quyền tỉnh đã có những hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng DN trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà họ gặp phải. Đây là một xu hướng khác biệt so với nhiều tỉnh, trên toàn quốc. Vì đa phần kết quả này tại các tỉnh đang có hướng chững lại, đây là một tín hiệu rất tích cực của tỉnh. Về chỉ số gia nhập thị trường, hiện Ninh Thuận cũng đang đứng thứ 2 trên toàn quốc, đây cũng là một chỉ số cho thấy rằng tỉnh đang rất nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; thủ tục đăng ký doanh nghiệp, các thủ tục đăng ký kinh doanh có điều kiện thuận lợi hơn, các khó khăn gia nhập thị trường đã giảm bớt; cải cách hành chính tiếp tục duy trì kết quả ở mức cao.
Trong thời gian tới, Ninh Thuận cần tập trung nỗ lực cải cách ở một số lĩnh vực, tạo niềm tin cho DN về thiết chế pháp lý, giảm thiểu chi phí không chính thức cho DN; tạo thuận lợi hơn nữa cho DN tiếp cận thông tin, kịp thời tiếp cận các văn bản, chính sách. Quan tâm tháo gỡ những khó khăn chủ yếu mà DN Ninh Thuận đang gặp phải như tìm kiếm khách hàng, tiếp cận vốn tín dụng, biến động thị trường, chính sách pháp luật, tìm kiếm đối tác, nhà cung cấp, nhân sự thích hợp; ổn định sử dụng đất, hạ tầng, mặt bằng kinh doanh, đảm bảo thực thi hợp đồng và quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt là cần chú trọng nâng cao chất lượng quản trị môi trường hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thúc đẩy thực hành xanh, có chính sách khuyến khách và dịch vụ hỗ trợ DN các ngành sản xuất, kinh doanh xanh.
Tiến sỹ Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh Bắc Ninh:
Tỉnh Bắc Ninh đã cải thiện năng lực cạnh tranh theo hướng bao trùm ở các địa phương; triển khai chuyển đổi kép giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm tạo tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững. Đặc biệt Bắc Ninh có mô hình “Bệnh viện DN trực tuyến”, cử các cán bộ, chuyên gia nắm bắt tình hình, tháo gỡ những khó khăn của DN. Chỉ cần DN tin tưởng gửi tới bất cứ một thông tin nào cũng sẽ được chuyên gia tư vấn cho cách tháo gỡ, hoàn thiện hồ sơ thủ tục. Những DN có kiến nghị, phản ánh cũng sẽ được đảm bảo bí mật về danh tính mà không ngại rằng sẽ bị gây khó dễ.
Đối với Ninh Thuận, thời gian qua đã có nhiều phát triển vượt bậc về KT-XH, năng lực quản trị điều hành được thể hiện qua Chỉ số PCI. Tuy nhiên, quá trình cải cách luôn không có điểm dừng, để duy trì và nâng cao Chỉ số PCI trong thời gian tới, đòi hỏi mỗi năm tỉnh đều phải có những sáng kiến; các sở, ngành đều phải đưa ra ít nhất 3 sáng kiến để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh cũng như nâng cao chỉ số cạnh tranh của các cơ quan nhà nước. Trong đó, hướng tới giải quyết các thủ tục hành chính thông qua môi trường mạng, đặc biệt là các hồ sơ thủ tục liên quan đến đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, cần phát huy năng lực, trách nhiệm của cán bộ, thực thi nghiêm chế độ công vụ, không né tránh đùn đẩy, đặt lợi ích, sự phát triển của DN là sự phát triển chung của tỉnh.
Anh Tuấn