Trước hết, về giải phóng dân tộc, Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ sự thống trị của thực dân Pháp kéo dài hơn 80 năm, và sự cai trị của phát-xít Nhật, giành lại độc lập cho dân tộc.
Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, nhân dân ta đã bao lần đứng lên lật đổ sự thống trị của quân xâm lược nước ngoài, giành lại độc lập dân tộc. Đầu công nguyên đó là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, tiếp đó là khởi nghĩa của Bà Triệu, của Lý Bí (thế kỷ VI), của Khúc Thừa Dụ (thế kỷ thứ X), của Lê Lợi (thế kỷ XV)... Nếu như các cuộc khởi nghĩa trước đây, kẻ thù xâm lược - thống trị có cùng một trình độ phát triển, cùng một hình thái kinh tế - xã hội với Việt Nam, thì khi tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của dân tộc ta, lực lượng cách mạng phải đối diện với thực dân Pháp - là một trong số các quốc gia tư bản chủ nghĩa phát triển bậc nhất vào thế kỷ XIX, XX. Hơn thế, trong cuộc cách mạng này, dân tộc ta lại phải đương đầu với chủ nghĩa phát-xít và lực lượng đồng minh, mà thực chất là liên minh giữa các cường quốc đang chi phối đời sống chính trị quốc tế lúc đó. Trong Tuyên ngôn độc lập, ngày 2 tháng 9 năm 1945, sau khi trân trọng trích lại Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776, Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền của Pháp năm 1789, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Để khẳng định cơ sở pháp lý và chính nghĩa cuộc đấu tranh của dân tộc ta, Người nhấn mạnh: “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp...
Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Ở vào thời điểm trước khi Liên hợp quốc ra đời, Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam về khách quan đã góp phần quan trọng vào nguyên tắc “bình đẳng, tôn trọng chủ quyền của tất cả các nước thành viên” của Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời trở thành nền tảng của công pháp quốc tế đương đại.
Thứ hai, về giải phóng xã hội, Cách mạng Tháng Tám đã xóa bỏ chế độ thực dân - phong kiến, khai sinh chế độ xã hội mới - Chế độ dân chủ cộng hòa - Chế độ xã hội do nhân dân làm chủ. Khác với các cuộc cách mạng, khởi nghĩa trong lịch sử dân tộc cũng như các cuộc cách mạng dân chủ tư sản chỉ làm thay đổi các vương triều hoặc thay đổi giai cấp thống trị này bằng giai cấp thống trị khác, còn người dân rút cuộc vẫn chỉ là những người bị áp bức, bóc lột, Cách mạng Tháng Tám đã thay đổi số phận của cả dân tộc.
Chính vì vậy, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương- không duy trì lâu dài Chính phủ cách mạng lâm thời, nhanh chóng xây dựng nhà nước pháp quyền, tiến hành tổng tuyển cử tự do trong cả nước, xây dựng và ban bố hiến pháp... Hiếm có một cuộc cách mạng nào, một đảng chính trị nào lại có đủ niềm tin, ý thức tôn trọng ý chí và nguyện vọng của nhân dân như Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ trong vòng một năm, Đảng và Chính phủ ta đã thiết lập chế độ chính trị, nhà nước và chính quyền nhân dân trong cả nước. Sở dĩ có được niềm tin đó là vì Đảng Cộng sản Việt Nam là hiện thân lợi ích của cả dân tộc. Đối với Đảng ta, lợi ích của giai cấp luôn luôn thống nhất với lợi ích của dân tộc.
Thứ ba, về giải phóng con người, Cách mạng Tháng Tám, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc đã đem lại quyền công dân và quyền con người cho nhân dân ta, và ngay lập tức thực hiện các nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử đối với tất cả mọi thành viên của xã hội. Đây là sự khác biệt với các cuộc cách mạng dân chủ tư sản.
Ngày nay, không ngừng phát huy và phát triển những thành quả mang dấu ấn thời đại mà cuộc Cách mạng Tháng Tám thu được vừa là nhiệm vụ sống còn, vừa là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân ta, để những giá trị to lớn, toàn diện của nó vững bền đồng hành cùng sự nghiệp đổi mới, hội nhập.
Ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám không chỉ ở chỗ nhân dân ta đã đánh đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, giành lại độc lập dân tộc, mà còn mở ra một thời đại mới, đưa dân tộc ta đến với các giá trị chính trị, xã hội cao nhất trong nền văn minh nhân loại - đó là chế độ dân chủ, nhà nước pháp quyền do nhân dân làm chủ, các quyền công dân và quyền con người được tôn trọng, rút ngắn con đường tiến hóa của dân tộc ta hàng thế kỷ. Cách mạng Tháng Tám và các cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc ta còn góp phần mở ra một quỹ đạo mới - quỹ đạo xã hội chủ nghĩa cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
THEO TẠP CHÍ CỘNG SẢN