Tính đến ngày 10/7, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 639,4 ngàn tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 29,9 ngàn tỷ đồng. Về giải ngân, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6 là 196,7 ngàn tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 30,49%). Cụ thể, có 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước. Tỷ lệ giải ngân vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đạt 78,23% kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt 35,43%. Tỷ lệ giải ngân của các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng; các dự án sử dụng vốn ODA, vốn tài trợ nước ngoài còn thấp.
Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận.
Đối với tỉnh Ninh Thuận, tổng vốn kế hoạch năm 2024 giải ngân đến ngày 30/6 đạt hơn 1.008 tỷ đồng, đạt 36,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 32,5% kế hoạch HĐND tỉnh giao (cao hơn mức bình quân của cả nước).
Hội nghị đã dành thời gian để phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn và nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Theo đó, các khó khăn chủ yếu liên quan đến nguồn thu ngân sách địa phương; giá nguyên, nhiên vật liệu biến động, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu san lấp, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất vướng nhiều thủ tục; công tác tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao, chưa rõ nét.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nêu cao tinh thần “5 quyết tâm, 5 bảo đảm”, tập trung giải quyết, thúc đẩy mạnh mẽ các dự án giao thông để hoàn thành 3.000km đường cao tốc theo nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra; triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ và văn bản của các bộ, ngành liên quan. Tiếp tục duy trì hoạt động các tổ công tác của Chính phủ đi kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương để tháo gỡ khó khăn kịp thời. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đề cao kỷ luật kỷ cương, tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; giảm tối đa các thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, chống tiêu cực, lãng phí.
Anh Tuấn