Giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật

Giáo dục hòa nhập (GDHN) cho trẻ em khuyết tật (TEKT) là giúp các trẻ có cơ hội đến trường học tập, tiếp cận nền giáo dục bình đẳng mà không phân biệt thể chất, trí tuệ, cảm xúc hay ngôn ngữ. Với ý nghĩa nhân văn đó, thời gian qua, chính quyền các cấp và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng đến việc GDHN cho TEKT, qua đó, giúp các em từng bước xóa bỏ mặc cảm để tự tin hòa nhập cộng đồng.

Là một trong 3 cơ sở dạy văn hóa, kỹ năng sống, phục hồi chức năng cho TEKT trên địa tỉnh, Trường Khuyết tật Quảng Sơn (Ninh Sơn) hiện đang nhận chăm sóc, dạy dỗ trực tiếp cho 16 TEKT ở huyện Ninh Sơn và Bác Ái. Các em bị các dạng khuyết tật, như: Khiếm thị, tăng động, hội chứng Down, thiểu năng trí tuệ... Đối với trẻ khiếm thị, các cô giáo hướng dẫn cách nghe, cách phát âm và cảm thụ ngôn ngữ dấu hiệu được diễn đạt qua tay, chân, ánh mắt, nụ cười... góp phần khơi dậy sự phát triển tâm hồn của trẻ. Với mong muốn sau này các em sẽ tự chăm lo cho bản thân, không phải phụ thuộc vào người thân và xã hội, ngoài việc dạy đọc, làm toán, thì giáo viên (GV) còn lồng ghép các kỹ năng gắn với đời sống sinh hoạt hằng ngày, giúp học sinh tăng khả năng tự chăm sóc bản thân khi cần thiết.

Giáo viên Trường Khuyết tật Quảng Sơn (Ninh Sơn) dạy văn hóa cho các em.

Cô giáo Huỳnh Thục Huyền, người quản lý, hỗ trợ đứng lớp dạy các em tại Trường Khuyết tật Quảng Sơn chia sẻ: TEKT giống như một cái cây yếu, để cây đó trụ vững cần kiên trì chăm sóc, có phương pháp can thiệp đặc biệt, tỉ mỉ. Bởi, hành trình hòa nhập mỗi trẻ khác nhau, tùy theo mỗi dạng khuyết tật mà có trẻ tiếp thu nhanh, có trẻ cả một thời gian dài không chuyển biến. Do vậy, tùy theo năng lực, nhu cầu, cách học của mỗi trẻ, GV biên soạn giáo án “đặc biệt” cho phù hợp, góp phần cải thiện các lĩnh vực nhận thức, quan hệ xã hội, ngôn ngữ, tự phục vụ. Trong các tiết dạy, GV đều sử dụng những trang thiết bị, đồ dùng dạy học trực quan để giúp các em tiếp thu tốt hơn. Nhờ sự yêu thương, dạy dỗ ân cần của cô giáo, sau một thời gian học tập, đa số các em đã hình thành được kỹ năng tự phục vụ như: Tự xúc cơm, uống nước và chào hỏi mọi người. Hầu hết các em hoạt bát, nhanh nhẹn hơn, có em biết đọc, biết viết, làm tóan và hát được các bài hát thiếu nhi đơn giản. Tuy câu nói chưa tròn vành, rõ chữ nhưng đó chính là nguồn động lực, xua tan những mệt nhọc, giúp các cô giáo tiếp tục cố gắng trên hành trình GDHN. Sự tiến bộ từng ngày của các em còn là niềm vui, hạnh phúc của ba mẹ các em. Chị Tuyết Nhung, mẹ của em Tuấn Anh bày tỏ: Sau thời gian học tập, con tôi đã biết thể hiện cảm xúc, phân biệt màu sắc, tự vệ sinh cá nhân, ăn uống và giúp mẹ quét nhà, dọn cơm. Tôi thật sự hạnh phúc và biết ơn các cô giáo đã chăm sóc, dạy dỗ con mình.

Qua 22 năm thành lập, Trường Khuyết tật Quảng Sơn tiếp nhận 104 TEKT, qua đó hỗ trợ được nhiều em hòa nhập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn như: Trường THCS Quang Trung; Trường Tiểu học Quảng Sơn A,... nhiều em đã trưởng thành có gia đình, việc làm ổn định và thường xuyên về thăm lại cô giáo. Thấy rõ sự tiến bộ của con em mình, nên nhiều phụ huynh ở huyện Bác Ái không ngại đường xa khó nhọc, đều đặn đưa con đến trường mỗi ngày. Cùng với việc duy trì dạy dỗ trực tiếp TEKT tại trường, các cô giáo còn tận tình hướng dẫn, tư vấn cách chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho 35 TEKT tại gia đình.

Bên cạnh các cơ sở giáo dục chuyên biệt, các trường học trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm triển khai có hiệu quả chương trình GDHN nhằm hỗ trợ trẻ em là học sinh khuyết tật (HSKT) được học tập chung với những học sinh bình thường. Theo đó, hằng năm ngành giáo dục và đào tạo tăng cường công tác quản lý; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ GV trực tiếp GDHN; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động sự hỗ trợ của cộng đồng đối với công tác GDHN cho TEKT. Trong sinh hoạt chuyên môn, cán bộ, GV thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, giáo dục HSKT. Cùng với đó, vào đầu mỗi năm học, các cơ sở giáo dục tổng hợp danh sách HSKT để phân lớp phù hợp. Trong quá trình dạy học, GV tiếp tục theo dõi, phát hiện những em có biểu hiện khuyết tật để tư vấn cho phụ huynh đi thăm khám, giám định, đề nghị chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận khuyết tật để được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Một số HSKT sau thời gian học chương trình giáo dục chuyên biệt có tiến bộ rõ nét đã được chuyển qua học chương trình GDHN tại các trường tiểu học.

Với sự quan tâm, chia sẻ của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội đã “tiếp sức” giúp những “bông hoa khuyết cánh” vượt qua mặc cảm, tự tin vươn lên làm chủ cuộc sống của mình.