Tăng cường truyền thông nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Ngày Dân số (DS) thế giới 11/7 năm 2024 với chủ đề “Kỷ niệm 30 năm thực hiện Chương trình hành động Hội nghị quốc tế về DS và phát triển, Cairo 1994” là dịp để nhìn lại những thành tựu đạt được của công tác DS trong 30 năm qua, đồng thời khắc phục được những khó khăn, thách thức trong thời gian tới.

Trong 30 năm qua, cùng với cả nước, các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày DS thế giới bằng nhiều hoạt động tuyên truyền, tư vấn thiết thực. Nhờ đó, từng bước nâng cao chất lượng DS, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nói riêng và đất nước nói chung. Chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Nhờ vậy, Ninh Thuận vẫn duy trì được mục tiêu giảm sinh hằng năm từ 0,4-0,5‰. Tỷ lệ gia tăng DS tự nhiên từ 3,18% (năm 1992) giảm xuống còn 1% (năm 2023).

Cán bộ dân số huyện Bác Ái đến tận nhà tuyên truyền chính sách dân số cho người dân.

Hưởng ứng Ngày DS thế giới năm 2024, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày DS thế giới, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ đối với sự phát triển nhanh và bền vững; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về DS trên các phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn, áp phích, tài liệu, tờ rơi... với nội dung công tác DS liên quan đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước và địa phương; tổ chức các hội nghị chuyên đề; lồng ghép kiểm tra, giám sát các hoạt động truyền thông tại cơ sở... Là địa bàn có 9/9 xã triển khai Dự án 7 về “Nâng cao chất lượng DS vùng đồng bào DTTS và miền núi”, ngay từ đầu tháng 7, huyện Bác Ái tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tư vấn về chính sách DS. Anh Cù Đăng Hiếu, phụ trách Phòng DS, Trung tâm Y tế huyện Bác Ái cho biết: Việc tuyên truyền, vận động về công tác DS trên địa bàn huyện được triển khai với nhiều hình thức phong phú, tập trung chủ yếu vào đối tượng phụ nữ mang thai, vị thành niên, thanh niên, già làng, người có uy tín trong cộng đồng. Đặc biệt, hoạt động tuyên truyền được lồng ghép trong các hội nghị ở cấp xã, sinh hoạt của các hội, đoàn thể tại thôn, xóm, các đợt tiêm chủng, tuyên truyền qua Zalo, Facebook... Ngoài ra, địa phương cũng chú trọng loại hình tư vấn, đối thoại, nói chuyện chuyên đề trực tiếp với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, học sinh...

Do đặc thù là huyện vùng đồng bào DTTS, đội ngũ cộng tác viên DS thường xuyên thực hiện tuyên truyền theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động người dân tham gia thực hiện tốt các chính sách về DS. Chị Chamaléa Thị Hém, cộng tác viên DS thôn Ma Ty, xã Phước Tân (Bác Ái) chia sẻ: Với đặc thù canh tác nương rẫy, chị em trong thôn không mấy khi ở nhà, nên tôi tranh thủ tuyên truyền vận động thực hiện công tác dân số mọi lúc mọi nơi giúp cho các bà mẹ mang thai hiểu rõ lợi ích của việc khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn cho chị em về cách chăm sóc SKSS/KHHGĐ, vận động sinh ít con để tập trung làm ăn phát triển kinh tế, vì tương lai cho con cái trong gia đình... Nhờ vậy, nhận thức của người dân về KHHGĐ ngày càng được nâng lên; từng bước đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống...

Không riêng gì Bác Ái, những ngày này trên các trục đường trung tâm xã Ma Nới (Ninh Sơn) những câu khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Ngày DS thế giới cũng được treo ở những nơi dễ nhìn nhất. Khắc phục khó khăn, thời gian qua, đội ngũ cán bộ DS ở xã Ma Nới luôn triển khai các giải pháp truyền thông phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác DS-KHHGĐ trong tình hình mới. Nhờ vậy, làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc chăm sóc SKSS và thực hiện KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng DS ở địa phương. Từ đầu năm 2024 đến nay, xã Ma Nới có 49 trẻ sơ sinh, trong đó, số trẻ là con thứ 3 giảm so với năm trước; hơn 90% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai. Chị Tà Yên Thị Lượm, thôn Gia Rót, xã Ma Nới bày tỏ: Được cán bộ y tế tuyên truyền nên dù sinh con một bề là gái nhưng vợ chồng tôi quyết định không sinh thêm con, để có điều kiện chăm sóc các con tốt hơn; có thêm thời gian, sức khỏe chăm lo phát triển kinh tế.

Thông qua các hoạt động thiết thực, các địa phương vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, gia đình, cộng đồng, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của công tác DS trên địa bàn toàn tỉnh.