Trong một tuyên bố, Quốc Vụ khanh Phụ trách Số hóa của Bỉ, ông Mathieu Michel, khẳng định quy định mang tính bước ngoặt và là đạo luật đầu tiên trên thế giới kiểm soát AI giúp giải quyết thách thức công nghệ toàn cầu, cũng như tạo cơ hội cho các nền kinh tế và xã hội.
Với Đạo luật AI, châu Âu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của niềm tin, tính minh bạch và trách nhiệm khi đối mặt với những vấn đề của công nghệ mới, đồng thời đảm bảo công nghệ tiên tiến này có thể phát triển và thúc đẩy sự đổi mới của châu lục.
Đạo luật trên thiết lập bộ tiêu chí phân loại các hệ thống AI dựa trên mức độ rủi ro mà chúng có thể gây ra cho người dùng, gồm các cấp độ: Rủi ro không thể chấp nhận được, rủi ro cao, rủi ro hạn chế, rủi ro thấp. Những trường hợp không tuân thủ các quy định có thể bị phạt từ 35 triệu euro hoặc 7% doanh thu toàn cầu, tùy thuộc hành vi vi phạm và quy mô của các công ty. Nghị viện châu Âu cũng đã đề xuất thành lập Văn phòng AI, một cơ quan mới của EU để hỗ trợ việc áp dụng hài hòa đạo luật AI, cung cấp hướng dẫn và điều phối các cuộc điều tra chung xuyên biên giới.
Các quy định liên quan đến các mô hình AI như ChatGPT sẽ có hiệu lực 12 tháng sau khi dự luật chính thức được ban hành, trong khi các công ty phải tuân thủ hầu hết các quy định khác trong 2 năm.
Biểu tượng của Công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI trên màn hình điện thoại và máy tính ở Manta, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Đầu tháng 2 năm nay, các nước thành viên EU đã thông qua dự luật AI trên sau khi nhất trí về thỏa thuận chính trị vào tháng 12 năm ngoái. Tháng 3, Nghị viện châu Âu cũng “bật đèn xanh” cho dự luật này.
Luật sẽ có hiệu lực sau khi được công bố trên Công báo chính thức EU trong những ngày tới.
Nguồn TTXVN/Báo Tin tức