Đã nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải
Sáng 23/4, tiếp tục chương trình phiên họp 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, ông Lê Tấn Tới, khẳng định: Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, trọng tâm là vi phạm nồng độ cồn, quá tải trọng, xe cơi nới thành thùng; nhất là vi phạm xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường.
Tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ có những chuyển biến tích cực. Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và trên các quốc lộ trọng điểm, có xu hướng được cải thiện. Số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu; đặc biệt là số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế, đã góp phần bảo đảm trật tự xã hội trên các tuyến, địa bàn giao thông.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Đoàn giám sát đánh giá cao Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, xử lý “điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông” đường bộ; khắc phục ùn tắc giao thông đường bộ; tổ chức cứu nạn, cứu hộ giao thông đường bộ.
Bộ Giao thông vận tải đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô; kiểm tra việc thực hiện điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại các địa phương, qua đó đã chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải.
Còn bất cập trong hạ tầng
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng đề cập tới các tồn tại: Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch giao thông đường bộ, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vẫn còn nhiều hạn chế.
Việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông ở một số địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu vận tải, đi lại của nhân dân; còn thiếu trách nhiệm trong khắc phục và xử lý các bất cập về hạ tầng giao thông, kết quả xử lý các kiến nghị điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông. Vận tải đường bộ hiện phải đảm nhận tỷ trọng lớn, chưa cân đối với các phương thức vận tải khác; chất lượng dịch vụ chưa đồng đều.
Ý thức chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ của chủ phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa, nhất là các hộ kinh doanh vận tải hàng hóa còn hạn chế, tình trạng xe chở quá tải, “xe dù, bến cóc”, lái xe sử dụng các chất ma túy vẫn còn diễn ra.
Tại một số nơi, việc xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ và các tuyến đường địa phương chưa thực sự bám sát quy hoạch đã được phê duyệt; hệ thống tín hiệu vẫn còn lạc hậu, bố trí chồng chéo, lãng phí, kết nối kém của hệ thống camera giám sát.
Hiệu quả khắc phục và xử lý các bất cập về hạ tầng giao thông, kết quả xử lý các kiến nghị điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông còn thấp; công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ vẫn là khâu yếu; công tác tổ chức điều hành giao thông ở một số địa phương còn bất cập; tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè còn diễn ra phổ biến.
Đặc biệt, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ mặc dù đã được tăng cường, nhưng kết quả kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông chưa vững chắc, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao; tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng.
Trên cơ sở nhận diện các ưu điểm và hạn chế, đoàn giám sát đề xuất một số giải pháp để tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới, như: Khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông; rà soát, bố trí các vị trí đỗ xe tĩnh trong đô thị cho phù hợp; thực hiện nghiêm túc quy định về hành lang an toàn giao thông, không để xảy ra tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh gây cản trở giao thông.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức giao thông, quản lý phương tiện giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông; quản lý kết cấu hạ tầng, quản lý hoạt động vận tải, điều hành, giám sát, xử lý vi phạm hành chính để tổ chức giao thông thông minh, nhằm giảm ùn tắc và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị đoàn giám sát đánh giá thêm hai vấn đề. Thứ nhất là ý thức của người tham gia giao thông. Bởi bên cạnh việc hầu hết người tham gia giao thông có ý thức tốt, thì vẫn có một bộ phận ý thức kém, thường xuyên vi phạm. Do đó, cần đánh giá thêm về ý thức người tham gia giao thông và đưa giảng dạy ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông vào trường học từ sớm để rèn luyện cho học sinh ngay từ nhỏ.
Tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị đoàn đánh giá tiêu cực trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ. Bởi, lâu nay người dân phàn nàn về tiêu cực của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, đăng kiểm. Đồng thời, đặt câu hỏi và đề nghị đoàn làm rõ: “Liệu còn tiêu cực trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông nữa không?
Dù đây là báo cáo bước đầu, nhưng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao về công tác giám sát. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đoàn giám sát tiếp tục cụ thể hóa các kiến nghị về hoàn thiện pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Chủ tịch Quốc hội cũng phân tích những điểm bất hợp lý trong công tác phát triển hạ tầng giao thông đường bộ; việc nhập khẩu, đăng kiểm các phương tiện giao thông nói chung gắn với tiêu chuẩn, tiêu chí về khí thải; tính tương thích khi sử dụng các loại nhiên liệu sinh học...
Theo TTXVN/Báo Tin tức