Trung tâm được thành lập năm 2015 theo Quyết định số 1139/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Cơ sở vật chất của Trung tâm được chuyển giao từ Trung tâm Dạy nghề huyện Ninh Phước nên phòng học, bàn ghế và những loại đồ dùng không phù hợp với đối tượng là học sinh (HS) khuyết tật và đã xuống cấp nghiêm trọng. Năm học 2023-2024, Trung tâm có 16 cán bộ, giáo viên, nhân viên đảm nhận giảng dạy 76 HS/6 lớp; trong đó, có 13 HS khuyết tật trí tuệ, 11 HS khiếm thính, 13 HS tự kỷ, 14 HS khuyết tật nặng trên 7 tuổi và 15 trẻ can thiệp sớm.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khảo sát cơ sở vật chất dạy học của Trung tâm. Ảnh: L.Anh
Tại buổi làm việc, Trung tâm kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu tạo điều kiện di dời Trung tâm về Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Trong thời gian chờ phê duyệt kiến nghị nêu trên, Trung tâm kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành tạo điều kiện hỗ trợ Trung tâm sửa chữa các hạng mục cơ sở vật chất vì đã xuống cấp; tăng biên chế cho Trung tâm theo quy định của Nhà nước; đồng thời, có cơ chế đặc thù để cấp kinh phí chi thường xuyên cho Trung tâm.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ với những khó khăn và trăn trở của Trung tâm. Đồng thời đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm lựa chọn địa điểm để chuyển Trung tâm về Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để nắm bắt quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tranh thủ sự hỗ trợ; phối hợp xây dựng danh mục đầu tư công giai đoạn tới; quan tâm bổ sung thiết bị dạy học, sửa chữa cơ sở vật chất, rà soát bổ sung biên chế cho Trung tâm... Đối với Trung tâm cần đẩy mạnh công tác truyền thông tạo sự lan tỏa, thu hút các nguồn đầu tư, sự quan tâm của xã hội đối với công tác chăm lo, hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho HS khuyết tật.
Lâm Anh