Theo đánh giá của các chuyên gia, những điểm mới trong dạng thức đề thi gợi ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong dạy học, kiểm tra đánh giá ở trường phổ thông.
Đảm bảo dạy học thực chất
Đối với các môn thi trắc nghiệm, trong định dạng đề thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025, có tối đa 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng: Câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn; câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng - sai, mỗi câu hỏi có 4 ý, thí sinh phải trả lời đúng - sai đối với từng ý của câu hỏi; câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn, gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà thí sinh phải tự điền vào phiếu trả lời.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh, Chủ biên chương trình môn Vật lý nhận định: Những đổi mới trong định dạng đề thi trắc nghiệm sẽ góp phần thúc đẩy đáng kể sự phát triển của giáo dục.
Do tính đặc thù nên kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông ở nước ta đang sử dụng hình thức đánh giá là trắc nghiệm khách quan, trừ môn Ngữ văn. Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh, bài thi trên giấy không thể đánh giá được tất cả các năng lực của học sinh theo yêu cầu của chương trình giáo dục. Ví dụ, đối với các môn ngoại ngữ, trong bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết thì bài thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông chỉ có thể tập trung vào đánh giá kĩ năng đọc hiểu các loại văn bản, các kĩ năng về từ ngữ, ngữ pháp.
Học sinh lớp 12 ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa: TTXVN
Vì vậy, từ năm 2025, nhằm đánh giá tốt hơn năng lực người học, giảm xác suất đoán mò ở các câu hỏi thi, kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông có sự thay đổi về định dạng câu hỏi thi. Ngoài dạng câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn quen thuộc, có thêm dạng câu trắc nghiệm đúng/sai và trả lời ngắn.
Từ những đổi mới này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh lưu ý: Để đảm bảo chất lượng giáo dục, việc dạy học ở các nhà trường phải đảm bảo sao cho học sinh đạt được các yêu cầu về phẩm chất, năng lực được quy định ở Chương trình tổng thể và các Chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Dạy và học phải thực chất, dạy học không chỉ để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành các công việc, bước đầu giải quyết được các vấn đề phù hợp trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả, sáng tạo những kiến thức, kĩ năng đã học.
Để đánh giá được năng lực của học sinh, giáo viên phải thiết kế các tình huống xuất hiện vấn đề cần giải quyết, giúp học sinh bộc lộ năng lực của mình. Trong đánh giá năng lực người học, có thể vận dụng các dạng thức mới về câu hỏi thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành, kết hợp với các hình thức đánh giá khác.
Đối với câu trắc nghiệm đúng – sai, đây không đơn thuần là dạng câu hỏi đúng – sai truyền thống, trong đó thí sinh phải lựa chọn một trong hai phương án trả lời để khẳng định nhận định đó là đúng hay sai. Trong định dạng mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi câu hỏi loại này gồm bốn lệnh hỏi. Bốn lệnh hỏi này tạo thành một câu hỏi thi nhằm đánh giá toàn diện hơn một vấn đề bao gồm bốn ý có mức độ tư duy tăng dần.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh: Khi xây dựng câu hỏi dạng này, giáo viên cần nhận thức rõ các biểu hiện của năng lực hoặc thành phần năng lực mình muốn đánh giá thông qua việc khai thác một nội dung hoặc kết hợp nhiều nội dung; nên hỏi về một vấn đề hoàn chỉnh theo mức độ tăng dần của cấp độ tư duy.
Đối với câu trắc nghiệm trả lời ngắn, đòi hỏi trả lời bằng kí tự số. Hơn thế nữa, thí sinh chỉ được phép trả lời trong giới hạn 4 kí tự và không được viết dưới dạng phân số. Do đó, khi xây dựng câu hỏi thi, giáo viên cần lựa chọn các nội dung sao cho có thể tạo được các câu hỏi với đáp số thỏa mãn các yêu cầu này.
Chống học thuộc lòng, chép văn mẫu
Trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025, Ngữ văn vẫn là môn duy nhất thi theo hình thức tự luận.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ văn chia sẻ: Đổi mới lớn nhất trong định dạng, cấu trúc đề thi là yêu cầu viết đoạn, bài nghị luận văn học với ngữ liệu mới. Mục đích của việc đổi mới này là chống kiểu dạy và học theo hướng thuộc lòng, chép văn mẫu; phát huy được những suy nghĩ riêng của mỗi học sinh, khuyến khích các em tự làm ra bài văn của chính mình, thể hiện suy nghĩ một cách trung thực... Từ đó, đánh giá được năng lực viết của học sinh công bằng, khách quan hơn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống lưu ý, giáo viên cần dạy cho học sinh biết cách viết đoạn, bài nghị luận văn học một cách thuần thục.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở cấp Trung học Phổ thông, yêu cầu viết nghị luận văn học tập trung vào kiểu bài phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học (lớp 10); lớp 11 mở rộng ra viết bài nghị luận về một tác phẩm văn học hoặc một bộ phim, bài hát, bức tranh, pho tượng; lớp 12 tập trung chủ yếu vào kiểu bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm văn học.
Như vậy, kiểu bài so sánh 2 tác phẩm ở lớp 12 sẽ là một trọng tâm của yêu cầu viết. Tuy nhiên, trong rèn luyện và kiểm tra, đánh giá, học sinh vẫn phải làm kiểu bài phân tích, đánh giá tác phẩm văn học gắn với các thể loại được học.
Khi dạy cho học sinh cách viết, giáo viên nên tập cho các em viết đoạn theo 3 phần (dạng tổng phân hợp). Đấy không chỉ là luyện cách viết mà còn rèn luyện tư duy rõ ràng, khúc triết. Bên cạnh đó, giáo viên cần chuẩn bị nhiều dạng bài tập như: nêu câu chủ đề (ý chính), yêu cầu học sinh phát triển ý và câu kết thúc; cho các câu phát triển, yêu cầu học sinh viết câu mở đầu và câu kết thúc; cho câu kết thúc và câu mở đầu, yêu cầu học sinh viết các câu phát triển...
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống, rèn luyện cho học sinh cách viết đoạn văn rất quan trọng trong việc hình thành năng lực viết cả về nội dung, cách lập luận và tổ chức ý. Trong bối cảnh không có nhiều thời gian, phải viết ngắn gọn, chỉ cần yêu cầu viết một đoạn văn cũng có thể đánh giá được tư duy và cách viết của mỗi học sinh.
Để đánh giá đúng năng lực đọc hiểu và viết của học sinh, giáo viên cần chuyển đổi việc dạy, học, đổi mới cách ôn luyện, kiểm tra. Việc ôn luyện không phải chạy theo nội dung mà luyện tập cách đọc hiểu; cách phân tích đánh giá một văn bản theo một thể loại với ngữ liệu mới... để sau đó gặp ngữ liệu nào, học sinh cũng biết vận dụng để đọc hiểu, tạo lập văn bản theo yêu cầu của đề.
Giáo viên cũng cần tích lũy, tuyển lựa các loại văn bản làm ngữ liệu mới cho việc dạy học, để rèn luyện và ra đề kiểm tra, đánh giá. Văn bản ngữ liệu mới cần đúng thể loại, kiểu văn bản đã học trong chương trình; bảo đảm độ tin cậy (nguồn dẫn chính thức). Độ dài văn bản cần phù hợp với thời gian làm bài. Nếu đề trích văn bản từ một tác phẩm lớn, cần có tóm tắt ngắn gọn, bảo đảm học sinh biết được bối cảnh để hiểu đúng văn bản trong tính chỉnh thể của tác phẩm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh: Việc sử dụng ngữ liệu mới (văn bản không có trong các sách giáo khoa) là một bước tiến lớn trong thi, kiểm tra ở môn Ngữ văn nhằm đánh giá theo năng lực, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh. Do đó, lựa chọn ngữ liệu mới đúng, hay, phù hợp... là một trong hai yếu tố quyết định chất lượng của một đề thi. Sự thay đổi ấy cần được tuyên truyền, lan tỏa trong nhà trường và xã hội. Nó sẽ mang lại một quan niệm đúng và tinh thần dạy học Ngữ văn mới.
Theo TTXVN/Báo Tin tức