Ngành sản xuất tôm giống đón xuân mới trong niềm vui năm 2023 thu được nhiều thắng lợi. Sản lượng tôm giống tăng mạnh, đạt hơn 40 tỷ con, tăng 4,7% so với năm 2022, đáp ứng hơn 35% nhu cầu tôm giống cả nước, đưa Ninh Thuận trở thành địa phương sản xuất tôm giống lớn nhất cả nước. Đặc biệt là chủ động sản xuất được 9.500 cặp tôm thẻ chân trắng và tôm sú bố mẹ, giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài. Năm 2023, nhu cầu tôm giống bố mẹ trong cả nước cần khoảng 180.000-185.000 cặp, trong khi trong nước chỉ sản xuất được 50.000 cặp, số còn lại nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ và Thái Lan. Tôm bố mẹ có vai trò then chốt trong chuỗi sản xuất tôm nước lợ, vì vậy thành tích của Ninh Thuận được Tổng cục Thủy sản đánh giá cao. Để chủ động nguồn tôm bố mẹ nhằm hạn chế phụ thuộc vào tự nhiên và nhập khẩu, Tổng cục Thủy sản khuyến khích Ninh Thuận là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cần mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng tôm giống để cung cấp cho nhu cầu thả nuôi của người dân.
Một trong những tác nhân tạo bứt phá cho ngành sản xuất tôm giống đó là Công ty TNHH Moana Ninh Thuận đã đầu tư mở rộng Trung tâm sản xuất tôm sú bố mẹ ở thôn Sơn Hải 2, xã Phước Dinh (Thuận Nam) đạt chuẩn quốc tế. Đây là doanh nghiệp (DN) duy nhất được Công ty Moana Technologies LLC Hawaii (Mỹ) ủy quyền trực tiếp cung cấp tôm sú giống bố mẹ cho thị trường trong và ngoài nước. Hợp tác với nước ngoài sản xuất tôm sú bố mẹ đã đưa công ty trở thành DN đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất tôm sú. Qua thực tế, con giống post sản xuất từ nguồn gốc bố mẹ của công ty được hộ nuôi đánh giá là thích hợp môi trường sinh thái ở Ninh Thuận, đồng bằng sông Cửu Long,... phát triển nhanh, khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao. Năm 2023, công ty cung cấp cho thị trường 5.000 cặp tôm sú bố mẹ, sức sinh sản 500.000 ấu trùng/lần đẻ. Cùng với đó, để góp phần hướng tới mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước, Trung tâm sản xuất tôm thẻ giống bố mẹ thế hệ G3 tại thôn Sơn Hải 2 của Tập đoàn Việt - Úc cũng sản xuất được 4.000 cặp tôm giống bố mẹ và đang hướng tới sản lượng đạt cao hơn trong thời gian tới. Chất lượng tôm thẻ, tôm sú bố mẹ sản xuất tại Ninh Thuận đã khẳng định trên thực tế, được tiêu thụ đến 20 công ty và xuất khẩu sang các nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Bangladesh, Nigeria...
Nhân viên Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Hồ Trung kiểm tra chất lượng tôm giống. Ảnh: Văn Nỷ
Hoạt động sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển, được thị trường trên cả nước đánh giá cao về chất lượng. Các DN đẩy mạnh ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất tôm giống, như: Nuôi cấy tảo thuần chủng trong hệ thống tuần hoàn khép kín, công nghệ lắng, lọc nước, xử lý bằng Ozone, tia cực tím, ương nuôi ấu trùng bằng công nghệ vi sinh; ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh tôm bằng phương pháp tiên tiến, hiện đại nhất. Toàn tỉnh có 425 cơ sở sản xuất tôm giống đang hoạt động, trong đó có 27 DN sản xuất tôm giống ứng dụng CNC. 100% cơ sở sản xuất tôm giống được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; được giám sát an toàn dịch bệnh. Hầu hết các thành viên của Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận đều sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận” trên nhãn mác để truy xuất nguồn gốc, quảng bá thương hiệu và khẳng định uy tín trên thị trường. Sự phát triển không ngừng của ngành tôm giống còn được thể hiện ở chỗ, gần đây các DN lớn hợp tác với nhau để khai thác tối đa thế mạnh của các bên cùng sản xuất giống chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu hộ nuôi; các trại sản xuất tôm giống vừa và nhỏ cũng đã liên kết đầu tư mới các thiết bị nuôi tiên tiến.
Thực hiện mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước, năm 2023 tỉnh chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó điểm nhấn là hoàn thành quy hoạch phân khu 1/2000 vùng sản xuất tôm giống chất lượng cao An Hải và Sơn Hải; điều chỉnh khu sản xuất giống thủy sản tập trung An Hải lên 186,6ha; khu sản xuất giống thủy sản Nhơn Hải hơn 100ha. Chú trọng đầu tư xây dựng đồng bộ và hoàn thiện cơ bản kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất tôm giống; sắp xếp lại sản xuất trong vùng quy hoạch theo hướng CNC. UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 635/QĐ-UBND ngày 17/11/2023 công nhận Vùng sản xuất tôm giống ứng dụng CNC An Hải quy mô 168ha và Quyết định số 639/QĐ-UBND ngày 20/11/2023 công nhận Vùng sản xuất tôm giống bố mẹ ứng dựng CNC Sơn Hải, quy mô 37,7ha. Công ty TNHH Việt - Úc Ninh Thuận và Công ty Cổ phần Đầu tư S6 được công nhận là DN ngoài tỉnh sản xuất tôm giống có quy mô lớn làm hạt nhân.
Trong thời gian tới, tỉnh khuyến khích các tổ chức, DN, cá nhân ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong sản xuất, ương dưỡng tôm giống để tạo ra sản phẩm giống chất lượng cao. Thực hiện có hiệu quả các chương trình gia hóa tôm sú bố mẹ, tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhằm chủ động nguồn tôm bố mẹ sản xuất trong nước chất lượng cao cung cấp cho thị trường nuôi. Với định hướng đúng, kỳ vọng ngành sản xuất tôm giống sẽ bứt phá trong thời gian tới.
Một năm thành công của ngành sản xuất tôm giống đã đóng góp đáng kể trong việc khắc phục tình trạng thiếu hụt con giống hiện nay. Niềm vui của các DN, cơ sở sản xuất tôm giống và hàng ngàn hộ nuôi tôm trên toàn quốc vì thế được nhân lên trong năm mới 2024.
Tỉnh ta đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sản lượng tôm giống đạt 50 tỷ con; chủ động sản xuất được 30% tôm thẻ chân trắng bố mẹ, 40% tôm sú bố mẹ có chất lượng cao và sạch bệnh.
Anh Tùng