(NTO) Tình trạng khai thác cát vô tội vạ đã và đang đẩy sông Dinh vào những hiểm họa tiềm tàng. Không những gây biến đổi hệ sinh thái trong lòng sông Dinh, ảnh hưởng đến đê điều, dân sinh mà hàng năm một nguồn thu ngân sách lớn từ thuế Tài nguyên-môi trường, khoáng sản đã bị thất thoát.
Các doanh nghiệp đang khai thác cát trên sông Dinh tại khu vực giáp ranh
giữa phường Phước Mỹ và xã Phước Thuận.
Từ việc khai thác tràn lan...
Dọc theo sông Dinh từ cầu Đạo Long 1 lên đến xã Lâm Sơn (Ninh Sơn), hàng chục con đường khai thác, vận chuyển cát được hình thành suốt theo dòng sông. Có những lúc do nhu cầu cao điểm của các công trình xây dựng, xe lấy cát cứ nối nhau lên, xuống bờ sông chở cát. Trên lòng sông, hàng chục chiếc xe máy xúc hoạt động liên tục, những con đường dã chiến hình thành ngang dọc cơ động trên lòng sông. Ngoài những dòng xe được “cấp phép” lấy cát, phải kể đến một lực lượng đông đảo với các loại xe dưới 5 tấn, công nông, máy cày, xe bò… đổ về dòng sông khai thác cát, sỏi… mà không bị ràng buộc sự quản lý nào ? Anh D.K.T một chủ xe chuyên lấy cát trên sông Dinh cho biết: “Nếu như xe trên 5 tấn, do không có đường, thường mua cát ở những bãi cát có giấy phép. Còn lại, xe dưới 5 tấn, công nông, máy kéo… tự tìm đường vào sông, chủ và phụ xe tự xúc cát, vận chuyển đi bán”.
Sau nhiều thời gian điều tra, theo dõi, đầu tháng 6-2011, lực lượng Cảnh sát Môi trường- Công an tỉnh đã bắt quả tang 7 đối tượng trú tại phường Tấn Tài và Phước Mỹ thuộc Tp.Phan Rang-Tháp Chàm đang dùng máy D 15 hút cát trên sông Dinh, lập biên bản tạm giữ 7 máy D 15 và 5 xe máy kéo vận chuyển cát. Thượng tá Nguyễn Văn Dung, Phó phòng Cảnh sát Môi trường cho biết: “Đây là hình thức khai thác cát lậu trên sông Dinh mới được phát hiện. Hình thức khai thác này vô cùng nguy hiểm, các đối tượng ngụy trang máy, đưa ống hút xuống giữa lòng sông hút cát. Khi máy hoạt động, cát được hút lên, tạo thành các vòng xoáy làm thay đổi dòng chảy, xói lở, ảnh hưởng đến đê điều và dân sinh; đặc biệt nguy hiểm trong mùa mưa bão”. Cũng theo Thượng tá Dung, trong tháng 7-2011, lực lượng Cảnh sát Môi trường đã đi kiểm tra thực trạng khai thác cát trên sông Dinh, phát hiện rất nhiều doanh nghiệp tuy có giấy phép nhưng đã hết hạn khai thác cát trên sông Dinh từ 31-12-2010, vậy mà đến nay vẫn đang khai thác ?
Qua làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, được biết, trong 18 doanh nghiệp, cơ sở khai thác cát sông Dinh được cấp phép khai thác, thì đã có 11 doanh nghiệp, cơ sở giấp phép kinh doanh đã hết hạn từ ngày 31-12-2010.
Đến hậu quả nhãn tiền
Nếu như trước đây, các điểm lấy cát trên sông Dinh thường nằm trên địa bàn giáp ranh giữa phường Tấn Tài và xã An Hải, thì nay lực lượng khai thác cát có phép cũng như không phép lại đổ dồn ngược dòng sông lên hướng Ninh Sơn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau một thời gian dài “nạo vét” cật lực các bãi cát từ cầu Đạo Long 1 hướng về phía biển, lượng cát bồi không kịp bù đắp. Do khai thác nhiều nên lòng sông bị thấp xuống, hệ thống cát giữ nước bị đào hết dẫn đến lòng sông bị nước biển xâm thực và hậu quả thật khó lường: đoạn sông từ cửa biển lên đến cầu Đạo Long 1 bị nhiễm mặn. Trao đổi với Kỹ sư Nguyễn Đức Thái, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Trung cho biết: “Một trong những nguyên nhân gây ra thực trạng sông Dinh bị nhiễm mặn là do việc khai thác cát thiếu quy hoạch, quy cách. Thường khi khai thác cát đã khiến lòng sông Dinh thấp xuống hơn mực nước biển. Trong khi đó, vào mùa khô, lượng nước ngọt trên sông Dinh thấp, còn mực nước biển thì cao hơn dẫn đến tình trạng xâm thực và gây nhiễm mặn. Việc khai thác cát bừa bãi, tạo nên những con lạch, hầm sâu, đập chặn giữa lòng sông làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, gây ra hiện tượng lở, sụt đất 2 bên bờ sông Dinh, ảnh hưởng lớn đến dân sinh là điều khó tránh khỏi”.
Trong khi đó, để lấy cát nhanh, cơ động, các chủ xe luôn vi phạm quy định khi đi lại qua tuyến đê bao sông Dinh. Chỉ “tội” cho đê bao sông Dinh, hàng ngày phải oằn mình gánh chịu những chiếc xe quá tải. Đồng thời, thuế Tài nguyên cũng vậy, cát càng chảy, ngân sách mất càng lớn !
Quản lý khai thác cát sông Dinh như thế nào?
Anh Lê Huyền, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trữ lượng cát trên sông Dinh có hạn, phụ thuộc vào thời tiết. Năm nào mưa, lụt lớn, lượng cát bồi nhiều và ngược lại. Lượng cát bồi sông Dinh phụ thuộc vào dòng chảy, sắp tới khi hồ Tân Mỹ xây xong, lượng cát bồi theo dòng chảy đổ về sông Dinh sẽ hạn chế. Hiện nay, ngành đang chờ các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Khoáng sản (có hiệu lực từ ngày 1-7-2011) để tham mưu cho UBND tỉnh trong việc triển khai, quản lý khai thác khoáng sản, trong đó có cát trên sông Dinh.
Theo thống kê, bình quân mỗi năm các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác cát trên sông Dinh hơn 480.000 m3, trong khi đó trữ lượng cát trên sông Dinh ước khoảng 5 triệu m3. Nếu cộng cả lượng cát khai thác trái phép, thì chỉ trong vòng 10 năm nữa lượng cát sông Dinh liệu có đủ cho nhu cầu xây dựng? Sắp tới tỉnh ta sẽ triển khai xây dựng nhiều công trình, các khu công nghiệp với quy mô lớn, nhất là xây dựng 2 Nhà máy Điện hạt nhân cần một lượng cát xây dựng khổng lồ, vì thế việc quản lý, chấn chỉnh khai thác cát nói riêng và khoáng sản trên sông Dinh nói chung là việc làm cấp thiết.
Kỹ sư Nguyễn Đức Thái cho biết thêm: Việc chấn chỉnh khai thác tài nguyên, trong đó có cát phải đúng quy hoạch, quy trình là việc làm bức thiết cho cả hôm nay và mai sau. Tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng cùng các địa phương liên quan đến tuyến sông Dinh xây dựng quy hoạch chi tiết, tổng thể quy trình khai thác tài nguyên cát trên lòng sông. Ngoài việc thực hiện Luật Tài nguyên-Môi trường, Luật Khoáng sản, tỉnh cần có những chế tài, những quy định dưới luật để các huyện, thành phố, xã-phường có cơ sở pháp lý trong quá trình tham gia quản lý. Các ngành chức năng cần có những kế hoạch khai thác cát hợp lý, có đội giám sát việc khai thác chặt chẽ. Có như vậy, chúng ta sẽ khai thác được lâu dài mà ít làm ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái sông Dinh.
Xuân Bính