Hiện nay có khoảng hơn 400 hệ thống trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất khác nhau trên toàn cầu mà các quốc gia đang áp dụng. Trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất và kinh tế tuần hoàn có mối quan hệ mật thiết với nhau: không thể có kinh tế tuần hoàn nếu không có trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất và trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất là động lực để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Dây chuyền may quần áo bơi trẻ em xuất khẩu tại xưởng may của Công ty TNHH Hà Đông ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN
Hoàn thiện chính sách
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là một điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Ngoài mục tiêu tăng cường tái sử dụng, tái chế, giảm thiểu chất thải, trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất sẽ tác động thay đổi thói quen của nhà sản xuất và người tiêu dùng, mở rộng khả năng sử dụng nguyên nhiên vật liệu thân thiện với môi trường, giảm rác thải nhựa, hướng đến kinh tế tuần hoàn.
Tại Điều 54, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế; Điều 55 quy định trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải.
Về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì: Nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, bao bì bao gồm: săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt, các sản phẩm có bao bì (như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xi măng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế); điện và điện tử; phương tiện giao thông thì phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo một tỷ lệ tái chế bắt buộc và theo quy cách tái chế bắt buộc (tùy theo từng loại sản phẩm, bao bì cụ thể).
Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể tự tổ chức tái chế hoặc có thể đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế. Nhà sản xuất, nhập khẩu 04 nhóm sản phẩm, bao bì (săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt và các sản phẩm có bao bì) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2024; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử phải thực hiện trác nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025 và nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.
Về trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải: Nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, bao bì có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải, bao gồm: thuốc bảo vệ thực vật, pin sử dụng một lần, tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần, kẹo cao su, thuốc lá, một số sản phẩm, hàng hóa chứa thành phần nhựa tổng hợp (như bóng bay, đồ chơi trẻ em, giầy dép, quần áo, đồ nhựa dùng một lần, đồ dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, túi nilong khó phân hủy kích thước nhỏ…). Nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 1/1/2022.
Theo Tiến sỹ Phan Tuấn Hùng, Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia, trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất là công cụ kinh tế tuân theo nguyên tắc thị trường và một cách tiếp cận chính sách mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính để xử lý vấn đề chất thải; đồng thời trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, đem lại cơ hội kinh tế, việc làm và giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu về môi trường. Nếu thực hiện đúng, đầy đủ các yêu cầu của trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất sẽ đảm bảo sự khép kín, tuần hoàn tài nguyên giữa nguồn nguyên liệu đầu vào và chất thải sinh ra trong quá trình sản xuất, hướng tới mục tiêu không phát thải.
Chìa khóa mở ra tương lai của ngành công nghiệp tái chế
Việc áp dụng trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp tái chế của Việt Nam. Dù doanh nghiệp sản xuất lựa chọn hình thức tái chế nào thì dòng tiền cũng sẽ chảy về nhóm doanh nghiệp thu gom, tái chế rác thải. Tuy nhiên theo ông Phan Tuấn Hùng chỉ có công nghệ tái chế tiên tiến, hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường mới là đối tượng được hưởng lợi từ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Vì vậy các doanh nghiệp tái chế phải thay đổi công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường. Bên cạnh đó, các nhà tái chế nhỏ lẻ, ít tiềm lực để áp dụng công nghệ tiên tiến có thể liên kết lại với nhau để lớn mạnh hơn.
Tại Việt Nam các nhà sản xuất, nhập khẩu cũng đã chủ động thực hiện trách nhiệm mở rộng từ khá sớm. Năm 2021, lần đầu tiên 9 doanh nghiệp lớn có sự cạnh tranh trên thị trường là TH Group với thương hiệu TH True milk, Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, La Vie, Nestle, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak và Universal Robina Corporation cùng thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (gọi tắt là PRO Việt Nam). Liên minh xác định sứ mệnh phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tỷ lệ bao bì thải ra môi trường.
Hơn hai năm qua, PRO Việt Nam đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động trên các lĩnh vực gồm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác, làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có. PRO cũng hỗ trợ các chương trình tái chế của nhà máy xử lý và các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế.
Không dừng lại ở nỗ lực chung của Liên minh, các thành viên tích cực hưởng ứng và chủ động ký kết hợp tác với các nhà tái chế hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Công ty Trách nhiệm hữu Nước Giải Khát Suntory PepsiCo Việt Nam (Suntory PepsiCo) và Công ty Cổ phần Nhựa Tái chế DUYTAN (DUYTAN Recycling) ký hợp tác chiến lược về việc cung cấp nhựa tái sinh để sản xuất bao bì các sản phẩm của Suntory PepsiCo giai đoạn năm 2022 – 2026.
Tháng 10/2023, Công ty Trách nhiệm hữu hạn La Vie (La Vie), thành viên của Tập đoàn Nestlé ký biên bản ghi nhớ chương trình hợp tác thu gom và tái chế nhựa với DUYTAN Recycling. Theo chiến lược 5 năm, La Vie và DUYTAN Recycling thực hiện mục tiêu thu gom và tái chế 11.000 tấn rác thải nhựa, áp dụng cho các sản phẩm chai La Vie dung tích nhỏ đến sản phẩm dung tích 19L.
Giữa tháng 11/2023, FrieslandCampina Việt Nam ký Thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty giấy Đồng Tiến Bình Dương và Công ty cơ khí xây dựng Trường Thịnh nhằm mục tiêu nâng cao năng lực thu gom và tái chế bao bì.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất nỗ lực đầu tư, liên kết đầu tư các nhà máy tái chế trong nước. Công ty Nhựa Tái chế Duy Tân đã đầu tư 60 triệu USD xây dựng nhà máy tái chế nhựa với công nghệ Bottle to Bottle. Công nghệ này cho phép tái sinh nhựa đến 50 lần. Đây là nhà máy thuộc top 5 nhà máy nhựa tái chế đẹp, hiện đại và quy mô nhất thế giới. Đặc biệt, với quy mô công suất 40.000 tấn thành phẩm nhựa tái chế/năm, nhà máy đang sử dụng hoàn toàn nhựa phế liệu trong nước làm nguyên liệu đầu vào.
Công ty Vietcycle ký kết với Tập đoàn ALBA châu Á xây dựng nhà máy tái chế với tổng vốn đầu tư lên đến 50 triệu USD và công suất lên đến 48.000 tấn/ năm. Nhà máy tái chế này sử dụng công nghệ tiên tiến từ Đức, tái chế ra nhựa rPET đạt chuẩn quốc tế. Đây là nhà máy nhựa tái chế lớn nhất và cũng là nhà máy tái chế ra sản phẩm nhựa có thể sử dụng đựng thực phẩm đầu tiên tại miền Bắc.
Trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất được được thực hành, đem lại nhiều kết quả tích cực ở nhiều quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Năm 2024 là năm đầu tiên thực hiện trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất tại Việt Nam với hy vọng sẽ tạo sự chuyển biến trong tiến trình thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.
Theo TTXVN/Báo Tin tức