Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Vào 7 giờ 30 phút, Quốc hội sẽ tiến hành họp phiên trù bị, nghe các nội dung: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV; sau đó, Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Văn Thạnh thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang.
Chiều 8/1/2024, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị một số nội dung cho Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV và một số nội dung quan trọng khác. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
Vào 8 giờ sáng cùng ngày, Quốc hội họp Phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Phiên khai mạc được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Kỳ họp bất thường lần thứ 5 khai mạc vào ngày 15/1/2024 và dự kiến bế mạc vào sáng 18/1/2024 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Quốc hội nghỉ 1 ngày (17/1/2024) để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết.
Tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 nội dung, gồm: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (theo trình tự, thủ tục rút gọn); về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Trong đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 16 chương, 260 điều, bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều (cả về nội dung và kỹ thuật) so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này gồm 15 chương, 210 điều (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, bỏ 4 điều, bổ sung 11 điều, giữ nguyên 15 điều và chỉnh lý kỹ thuật các điều khác).
Theo TTXVN/Báo Tin tức