Khai mạc Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XI

Ngày 8/12, HĐND tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc Kỳ họp thứ 15 - Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023. Các đồng chí: Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.

Tham dự kỳ họp có các đồng chí: Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh; Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và các đại biểu HĐND tỉnh.

Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ: Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa XI với nhiều nội dung quan trọng, HĐND tỉnh xem xét báo cáo của UBND tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023 và kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 74/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Do đó, đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu sâu kỹ các báo cáo, kết quả thẩm tra của các ban HĐND tỉnh để phân tích, đánh giá sát thực, khách quan, toàn diện những kết quả đạt được; chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém hoặc bất cập; nguyên nhân chủ quan, khách quan; đồng thời đề xuất giải pháp; xem xét, quyết định mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 gắn với mục tiêu của kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025.

Đồng chí Phạm Văn Hậu,Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên họp. Ảnh: Uyên Thu

Sau phát biểu khai mạc của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tóm tắt kết quả KT-XH năm 2023 và sơ kết tình hình, kết quả hoạt động, thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH giữa nhiệm kỳ 2021-2026; giải pháp trọng tâm thời gian đến.

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 74 của HĐND tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay có 12/15 chỉ tiêu đạt khá. Tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 9,28%/năm. Quy mô nền kinh tế năm 2023 gấp 1,5 lần so năm 2020 và bằng 78,9% mục tiêu năm 2025. Đến năm 2023, kinh tế biển chiếm khoảng 41,56% GRDP. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 khoảng 72.725 tỷ đồng, bằng 69,3% mục tiêu. Thu ngân sách ước đạt 3.658 tỷ đồng, đạt 57,2% kế hoạch. Tỷ lệ nghèo đa chiều theo chuẩn mới bình quân hằng năm giảm 1,39%. Có 33 xã, chiếm 70,2% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 60%. Có 96,9% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế...

Riêng năm 2023, tăng trưởng GRDP tăng 9,4%, xếp thứ 9/63 tỉnh thành cả nước và thứ 2/14 các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Kinh tế nông nghiệp và nông thôn duy trì ổn định, tăng trưởng khá; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất tiếp tục phát huy; một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo đang phục hồi, năng lực sản xuất mới phát huy hiệu quả. Giá trị gia tăng nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 7.000 tỷ đồng, tăng 4,57%. Các lĩnh vực xây dựng, thương mại, du lịch, năng lượng, công nghiệp tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khá. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 22.710 tỷ đồng, đạt 102,3% kế hoạch, tăng 15,3% so cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 87,7 triệu đồng. Quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường được tăng cường; các dự án trọng điểm, động lực được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Môi trường đầu tư được cải thiện rõ nét; cải cách hành chính hiệu quả hơn; chuyển đổi số đạt kết quả tích cực. Trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm thực hiện. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời; công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo được thực hiện tốt. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định.

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục bám sát và triển khai quyết liệt các mục tiêu nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trong đó, tập trung các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tập trung phát triển các ngành lĩnh vực trọng điểm như năng lượng, du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng và bất động sản tạo đột phá trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Chỉ đạo, điều hành thu, chi ngân sách đúng theo quy định của pháp luật. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phát triển KT-XH gắn với quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trước mắt, trong năm 2024, trên lĩnh vực kinh tế, phấn tốc độ tăng trưởng GRDP từ 11-12%; GRDP bình quân đầu người đạt từ 101-102 triệu đồng/người; cơ cấu kinh tế: Nông, lâm, thủy sản chiếm 25-26%; công nghiệp - xây dựng chiếm 41-42%; dịch vụ 32-33%; thu ngân sách trên địa bàn khoảng 4.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 22.900 tỷ đồng... Về xã hội, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm từ 1,5-2%, riêng huyện Bác Ái giảm ít nhất 4%; có 2-3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3-4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...

Tiếp đó, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh báo cáo tóm tắt thẩm tra kết quả KT-XH năm 2023; lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh báo cáo sơ kết công tác tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh giữa nhiệm kỳ 2021-2026, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thời gian đến; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh báo cáo tóm tắt ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Lãnh đạo các sở, ngành chức năng báo cáo tóm tắt 32 tờ trình dự thảo nghị quyết liên quan đến phát triển KT-XH. Các ban của HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra tờ trình dự thảo các nghị quyết nêu trên.

Thường trực HĐND tỉnh báo cáo các tờ trình: Kế hoạch tổ chức các kỳ họp năm 2024, HĐND tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2021-2026; Điều chỉnh chuyên đề giám sát của HĐND tỉnh năm 2024; thành lập đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh năm 2024.

HĐND tỉnh thông qua các nghị quyết về: Phân bổ và giao bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2023 cho các cơ quan, đơn vị và địa phương; Phê chuẩn quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu, chi ngân sách địa phương năm 2022; Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu, chi ngân sách địa phương năm 2024; Phân bổ ngân sách địa phương năm 2024.

Tại phiên họp, HĐND tỉnh đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, gồm 29 người là: Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và trưởng các ban HĐND tỉnh; Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các Ủy viên UBND tỉnh. Phiếu tín nhiệm có 3 mức đánh giá, gồm: Tín nhiệm cao, Tín nhiệm và Tín nhiệm thấp. Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín (xem kết quả trang 3).

Đại biểu HĐND tỉnh bỏ phiếu tín nhiệm những người do HĐND tỉnh bầu.

HĐND tỉnh cũng đã tiến hành biểu quyết cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh đối với đại biểu Trần Văn Hải do chuyển công tác ra ngoài tỉnh.

Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục diễn ra trong hai ngày 11 và 12/12. Các nội dung cụ thể của kỳ họp Báo Ninh Thuận tiếp tục cập nhật trong các bản tin sau.