Xem xét quy định là quy hoạch ngành quốc gia
Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng nhu cầu thực tiễn của nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp; chủ động tự lực, tự cường, củng cố, xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội, Công an cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Bên cạnh đó, các đại biểu tham gia đóng góp các ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.
Góp ý về quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho biết, dự thảo Luật xác định quy hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng và quy hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh là quy hoạch ngành quốc gia.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Theo Luật Quy hoạch năm 2017, chỉ có 39 quy hoạch ngành quốc gia, trong đó không có các quy hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng và quy hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh, chỉ có công nghiệp quốc phòng nằm trong quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng. Đại biểu đề nghị cần xem xét lại quy định này.
Đại biểu Mai Văn Hải cũng cho rằng, nếu theo phương án xác định quy hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng và quy hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh là hai quy hoạch, cần làm rõ sự cần thiết, đồng thời phải tiến hành sửa đổi Luật Quy hoạch năm 2017. “Các nội dung ở hai quy hoạch về nguyên tắc, căn cứ nội dung quy hoạch khi trình, lập, thẩm định quy hoạch có sự chưa thống nhất là một hay hai quy hoạch, nội dung còn lẫn lộn, đề nghị rà soát lại và nên tách bạch nội dung hai quy hoạch thuộc hai lĩnh vực khác nhau”, đại biểu Mai Văn Hải nói.
Cùng quan tâm tới khía cạnh trên, đại biểu Khuất Việt Dũng (Hà Nội) lại đề nghị chỉ lập một quy hoạch duy nhất là quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, không tách ra thành hai quy hoạch như trong dự thảo Luật thiết kế tại khoản 1, Điều 72 để tránh trùng lặp, dàn trải trong đầu tư.
“Vấn đề này đã được quy định tại Điều 4 khoản 5 về nguyên tắc xây dựng, phát triển nông nghiệp quốc phòng, khép kín trong quản lý và nên giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng với sự tham gia của các bộ chủ quản như Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, các viện nghiên cứu, các trường đại học, tập đoàn kinh tế Nhà nước có liên quan để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”, đại biểu Khuất Việt Dũng nêu ý kiến.
Góp ý về nguyên tắc xây dựng, phát triển công nghiệp, quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho rằng, về kỹ thuật lập pháp, nội dung quy định tại các khoản 3, khoản 7, khoản 8 của Điều 4 mang tính chất về chính sách hơn là về nguyên tắc, không phù hợp với nội dung có tên trong điều Luật. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, nếu xét thấy thực sự cần thiết quy định những nội dung này có thể thiết kế thành một điều riêng, đó là chính sách xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp để tăng tính phù hợp.
Bên cạnh đó, tại Điều 4 của dự thảo Luật có quy định về nguyên tắc gắn kết chặt chẽ, tận dụng tối đa năng lực của công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh, tránh đầu tư trùng lặp, những gì công nghiệp quốc phòng làm được, công nghiệp an ninh không đầu tư và ngược lại. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry bày tỏ tâm đắc với nội dung của quy định này, bởi đây là nguyên tắc đặc thù, là chủ trương đúng đắn của việc xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh, nhằm bảo đảm hiệu quả, tránh trùng lặp, dàn trải trong đầu tư, lãng phí nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nội dung dự thảo Luật cần tiếp tục được nghiên cứu để quy định chặt chẽ, bởi để thực hiện được nội dung này phải làm rõ được khái niệm về công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh.
Xác định rõ phương hướng, chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Cũng tại phiên họp, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tham gia giải trình, làm rõ thêm một số ý kiến được các đại biểu Quốc hội nêu.
Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, trong dự thảo Luật có nhiều khái niệm chuyên ngành quân sự, quốc phòng. Do đó, đối với quy định về giải thích từ ngữ, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo thống nhất, chính xác, chi tiết.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng làm rõ về mối quan hệ giữa công nghiệp quốc phòng, an ninh và chính sách hỗ trợ động viên công nghiệp, cho rằng những vấn đề này cần tổ chức thực hiện ngay từ trong thời bình; quy định rõ trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an khi xây dựng các cơ sở công nghiệp. “Chúng ta xác định đối tượng động viên công nghiệp là các doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang. Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế và trên thế giới cho thấy kết quả này làm rất tốt”, Bộ trưởng nói.
Liên quan đến ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc cần xác định rõ phương hướng, chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh đến mục tiêu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa: “Đất nước của chúng ta là đất nước làm giàu từ biển thì công nghiệp quốc phòng không phải chỉ có lục địa. Chúng tôi sản xuất tất cả các loại vũ khí, trang bị bảo đảm cho bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu liên quan đến cơ chế đặc thù của công nghiệp quốc phòng an ninh, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, chính sách hậu phương quân đội, nguồn lực đảm bảo cho công nghiệp quốc phòng, chính sách về cơ sở quốc phòng nòng cốt, quy hoạch đất quốc phòng, an ninh…
Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định, thời gian tới, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; nhất là về các nhóm nội dung như: cơ chế chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; vai trò nguồn vốn ngân sách nhà nước; bảo đảm bí mật quân sự, bí mật Nhà nước; các cơ chế chính sách đặc thù phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Theo TTXVN/Báo Tin tức