Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và nỗ lực toàn ngành, hoạt động du lịch (DL) đã dần khôi phục trở lại, đặc biệt là DL nội địa. Trong đó, các hoạt động, sự kiện DL diễn ra sôi động tại các địa phương, nhận thức của toàn xã hội về tác động lan tỏa của ngành DL có chuyển biến tích cực. Nhiều điểm đến mới được đầu tư, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ DL được cải thiện...Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,97 triệu lượt; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt; tổng thu từ DL đạt 582,6 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ phục hồi lượng khách quốc tế còn thấp. Trong bối cảnh ấy, ngành DL đặt mục tiêu năm 2023 điều chỉnh tổng số khách DL quốc tế đến Việt Nam lên 12-13 triệu lượt khách; 102 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách DL khoảng 650 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2025, ngành DL phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch, phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trực tiếp từ 6-8% trong GDP. Đến năm 2030, DL là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, đón 35 triệu lượt khách quốc tế; 160 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trực tiếp từ 10-13% trong GDP.
Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành liên quan tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc.
Với mục tiêu trên, tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp DL trao đổi các vấn đề về: Khó khăn, vướng mắc, giải pháp và hiến kế thu hút khách, phát triển DL Việt Nam nhanh, bền vững; tăng cường liên kết vùng, ngành trong hợp tác xây dựng sản phẩm và xúc tiến quảng bá DL...
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những ý kiến đầy tâm huyết, có trách nhiệm của các đại biểu. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm phát triển DL trong thời gian tới. Trong đó, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị, hiệu quả và tính lan tỏa của ngành DL để phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Phát triển hệ sinh thái DL toàn diện, nhanh, bền vững, hiệu quả cao. Xây dựng thương hiệu DL đặc sắc Việt Nam dựa trên nguồn lực con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử. Liên kết chặt chẽ, phối hợp hiệu quả giữa các doanh nghiệp, các chủ thể liên quan, giữa các bộ ngành, địa phương. Xây dựng chuỗi giá trị liên kết quốc gia và toàn cầu. Có tư duy, cách tiếp cận phù hợp, theo hướng chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh, thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng đầu vào của ngành DL…
Lê Thi