Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) chất vấn: Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, kiến thức phổ thông cơ bản được trang bị đến hết bậc THCS. THCS là dấu mốc quan trọng để tiếp tục thực hiện phân luồng học sinh. Nhưng hiện nay, khi kết thúc chương trình THCS, các em học sinh chỉ xét tốt nghiệp, trong khi kết thúc THPT lại thi tốt nghiệp. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), có cần thay đổi lại việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THCS kết hợp với xét tuyển vào lớp 10 và xét tốt nghiệp THPT hay không?
Đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định chất vấn. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Đại biểu cũng cho biết, vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có gặp gỡ, trao đổi với khoảng 1 triệu giáo viên và đã nhận được trên 6.000 câu hỏi. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những trăn trở, vướng mắc lớn nhất của đội ngũ giáo viên hiện nay? Kế hoạch để giải quyết những vấn đề đó?
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngày 15/8 vừa qua, trước thềm năm học, Bộ có tổ chức gặp gỡ, trao đổi trực tuyến với hơn 1 triệu giáo viên. Trong cuộc gặp gỡ, có hơn 6.300 câu hỏi, ý kiến đã được gửi đến, bày tỏ sự đồng tình với xu hướng đổi mới giáo dục đào tạo do Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang dẫn dắt. Dù công tác đổi mới giáo dục đang gặp nhiều khó khăn, nhưng đây cũng là vinh dự, các thầy cô giáo đều thể hiện quyết tâm vượt qua.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn chiều 7/11. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Bên cạnh đó, các nhà giáo cũng bày tỏ tâm tư trước những thách thức lớn như đời sống và các điều kiện của nhà giáo hạn chế, giáo viên trẻ mới vào nghề gặp khó khăn về mức lương, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa thiếu cơ sở vật chất... Các giáo viên cũng mong muốn xã hội, phụ huynh có thêm sự chia sẻ với công việc mà lực lượng giáo viên đang làm và đề xuất có sự cải thiện về mức lương, điều kiện sống.
Đối với cơ cấu của các kỳ thi trong chương trình giáo dục phổ thông, Bộ trưởng cho biết, theo thiết kế chương trình, bậc THCS là bậc giáo dục cơ bản, nền tảng tích hợp để trang bị những kiến thức cơ bản nhất của giáo dục phổ thông. Trong chương trình bậc THPT sẽ tăng cường yếu tố phân luồng hướng nghiệp, tăng sự chủ động lựa chọn cho học sinh. Tuy nhiên, nếu trong 12 năm phổ thông có quá nhiều kỳ thi sẽ quá nặng cho học sinh. Dư luận xã hội, phụ huynh và ngành Giáo dục đều nhận thức sự cần thiết phải giảm các kỳ thi khi kết thúc THCS để chuyển sang THPT. Để kết thúc 12 năm giáo dục phổ thông, cần thiết có một kỳ thi tốt nghiệp, điều này đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục 2019.
Theo TTXVN/Báo Tin tức