Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định xử lý nghiêm các đơn vị để dự án đội vốn

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ đã yêu cầu các chủ đầu tư, tư vấn nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân; xác định các nguyên nhân chủ quan, khách quan để xử lý theo quy định khi để dự án đội vốn.

Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) nêu rõ, 2/3 tổng vốn đầu tư công của giai đoạn dành cho giao thông vận tải, nhưng các dự án giao thông vận tải ở tất cả các nhóm cũng như các dự án quan trọng quốc gia đều phải điều chỉnh thời gian thực hiện, tổng mức đầu tư. Như vậy cho thấy công tác chuẩn bị chủ trương đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư là không chính xác.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) nêu trách nhiệm trình dự án đầu tư không chính xác thuộc về ai?

Trong khi đó, hồ sơ trình đều báo cáo là chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan, khoa học, thực tiễn; các dự án thì đều có phương án dự phòng, kể cả dự phòng ngân sách. Đại biểu đề nghị đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết trách nhiệm trong việc trình không chính xác thuộc về ai?

Bộ trưởng có cho rằng cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi trình để các dự án không chính xác phải kéo dài thời gian tổ chức thực hiện?

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Hoàng Anh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong kỳ trung hạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải được giao 64 dự án, với tổng kinh phí là 300.000 tỷ đồng. Đến nay, đã phê duyệt 60 dự án và đang triển khai. Về cơ bản, các dự án tương đối tốt, không tăng tổng mức đầu tư, nếu có thì rất ít.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, về cơ bản, các dự án triển khai tốt, tuân thủ tổng mức đầu tư được phê duyệt, chỉ có 3 dự án ở Đồng bằng sông Cửu Long phải xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư và thời gian thực hiện là cầu Rạch Miễu 2, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An – Cao Lãnh.

“Nguyên nhân phát sinh vốn tại 3 dự án nói trên chủ yếu là phải bổ sung chi phí đền bù giải phóng mặt bằng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng lý giải và cho biết khi khảo sát lập các dự án nói trên rơi đúng vào giai đoạn dịch COVID-19, nên công tác khảo sát chưa thật chính xác, trong đó chủ yếu là tăng chi phí sau khi cập nhật đơn giá giải phóng mặt bằng do địa phương quy định.

Cụ thể, Bộ trưởng cho biết, tại bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chi phí giải phóng mặt bằng được các chủ đầu tư tính toán theo khung giá đất do Hội đồng nhân dân các tỉnh ban hành. Trong bước thực hiện đầu tư, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng do UBND các tỉnh thực hiện, giá bồi thường tính theo giá đất cụ thể và được xác định trên cơ sở khảo sát giá thị trường. Thực tế, giá đất theo mặt bằng thị trường lớn hơn nhiều so với khung giá đất được ban hành, dẫn đến chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng rất lớn.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải nâng cao trách nhiệm và thực hiện đầy đủ, có chất lượng các công việc trong công tác tư vấn đầu tư xây dựng công trình.

Về xử lý trách nhiệm, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các chủ đầu tư, tư vấn nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân; xác định các nguyên nhân chủ quan, khách quan để xử lý theo quy định.

“Bộ Giao thông vận tải sẽ xử lý nghiêm khắc, nghiêm túc các đơn vị tư vấn để xảy ra sai sót, kể cả xử phạt tiền, cấm tham gia đấu thầu đối với những dự án phát sinh tổng mức đầu lớn hoặc các lỗi thiết kế nghiêm trọng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Theo TTXVN/Báo Tin tức