Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận tại hội trường về phát triển kinh tế - xã hội

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 1/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021- 2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 01/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội phiên họp.

Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh tham gia Kỳ họp thứ 6, Khóa XV.

Phát biểu thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Chamaléa Thị Thủy, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận tỉnh cho rằng, theo Báo cáo của Chính phủ có thể nhận thấy rằng, khó khăn, thách thức còn nhiều, không chỉ riêng năm 2023 mà với bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động như hiện nay, có thể những năm tiếp theo cũng sẽ còn rất nhiều khó khăn, tác động rất lớn đến kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 cũng như Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 trong những năm còn lại. Để thực hiện được mục tiêu ổn định chính trị, từng bước khắc phục khó khăn để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển KT-XH các năm tiếp theo và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. ĐBQH Chamaléa Thị Thủy đề nghị Chính phủ cần có giải pháp điều hành linh động và quyết liệt hơn nữa, cần thiết phải tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể cần tập trung vào 3 vấn đề sau:

ĐBQH Chamaléa Thị Thủy phát biểu thảo luận ở hội trưởng dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024.

Thứ nhất, cần có chính sách tập trung đầu tư thật hiệu quả vào yếu tố con người.

Các chính sách lớn nhằm phát triển KT-XH chậm được triển khai, lúng túng trong thực hiện thì nguyên nhân chính cũng do nguồn nhân lực thực hiện còn hạn chế; năng suất lao động nước ta thấp chủ yếu do chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; nguồn nhân lực thiếu và yếu trong hầu hết các lĩnh vực mũi nhọn…Do vậy, muốn phát triển KT-XH bền vững, cần có các chính sách đầu tư hiệu quả vào yếu tố con người. Cần thực hiện hiệu quả các chính sách về chăm sóc sức khoẻ Nhân dân; quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục-đào tạo; xây dựng chính sách phát huy hiệu quả giá trị văn hóa, khơi dậy sức mạnh dân tộc, tinh thần yêu nước và khát vọng vươn lên của người Việt…sẽ tạo ra yếu tố quyết định sự bền vững, lâu dài cho việc phát triển KT-XH. Nếu Chính phủ không có giải pháp kịp thời thì trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, tình trạng học sinh bỏ học ở các cấp học sẽ xảy ra ngày càng nhiều, tình trạng này không chỉ xảy ra ở những vùng có điều kiện KT-XH còn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mà đối tượng là dân nghèo thành thị cũng rất khó đầu tư cho con cái học hành, dẫn đến hệ luỵ xã hội và ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

Thứ hai, Chính phủ cần có quyết sách hiệu quả hơn nữa cho phát triển nông nghiệp, thực hiện hiệu quả kinh tế nông nghiệp.

Thực tế cho thấy rằng, trong những lúc kinh tế khó khăn nhất, thì nông nghiệp vẫn là cứu cánh. Bởi đơn giản chúng ta có thể bớt mua sắm, bớt du lịch khi kinh tế khó khăn cần thắt chặt chi tiêu, nhưng chúng ta vẫn phải ăn, phải tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp. Thế nhưng tại sao đất nước có đa số người dân xuất thân từ nông thôn, có kinh nghiệm nhất định về nông nghiệp, có tài nguyên đất đai, khí hậu phù hợp…mà chất lượng sản phẩm nông nghiệp lại không có sức cạnh tranh lớn, ít mang lại giá trị cao; tại sao người sản xuất nông nghiệp cuộc sống vẫn còn rất khó khăn? người nông dân vẫn còn than thở về giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao mà giá thành sản phẩm nông nghiệp giảm, chăn nuôi, trồng trọt ra sản phẩm không có người mua; trong khi đó áp lực tăng giá tiêu dùng, tăng chi phí học hành của con cái…luôn đè nặng cuộc sống của người dân nông thôn, người sản xuất nông nghiệp. Do vậy, Chính phủ cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo điều hành, quan tâm xây dựng các chính sách phù hợp để xây dựng ngành nông nghiệp của nước ta trở nên hiện đại, ứng dụng được thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất; xây dựng kinh tế nông nghiệp có sức cạnh tranh và mang lại nhiều giá trị kinh tế, làm cho đời sống người sản xuất nông nghiệp ổn định, có như vậy mới góp phần cho KT-XH đất nước ta phát triển một cách bền vững.

Thứ ba, Chính phủ cần rà soát và sớm thực hiện các giải pháp nhằm khơi thông các điểm nghẽn về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH.

Theo ĐBQH Chamaléa Thị Thủy, trong Báo cáo số 577 của Chính phủ về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 “Xuất hiện tình trạng thiếu hụt điện cục bộ vào cuối tháng 5 - đầu tháng 6 năm 2023 tại một số địa phương miền Bắc; nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ điện tăng, hiện tượng El Nino dẫn đến hạn hán, thuỷ điện giảm, nhiệt điện than gặp sự cố, thiếu hệ thống truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc; công tác điều tiết điện lực còn bất cập... Việc thiếu hụt cục bộ nguồn cung điện nêu trên đã ảnh hưởng nhất định đến sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân”. Tuy nhiên, thực tế tại địa phương ngoài doanh nghiệp, Đoàn ĐBQH,…đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp để thực hiện việc tiếp nhận, quản lý hệ thống truyền tải 500 kV Thuận Nam để đảm bảo công tác vận hành hệ thống truyền tải này ổn định, đảm bảo an ninh truyền tải và kiến nghị về việc ưu tiên điều độ để khai thác toàn bộ công suất, điện năng phát của các Nhà máy điện mặt trời, nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm để góp phần tháo gỡ khó khăn thực tế cho doanh nghiệp, cũng như góp phần vào đảm bảo nguồn cung về Điện, tránh tình trạng rất bất hợp lý là nơi thừa không sử dụng được, nơi thiếu điện ảnh hưởng sản xuất kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của người dân như thời gian qua.