Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Đảm bảo cho 'cánh tay nối dài của an ninh cơ sở' phát huy hiệu quả

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tại Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trình Quốc hội tại kỳ họp này gồm 5 chương, 34 điều.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Khoảng 300.000 người tham gia bảo vệ an ninh ở cơ sở

Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và huy động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý, bổ sung các quy định về quan hệ công tác; thể hiện rõ vai trò, phạm vi phối hợp, hỗ trợ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đối với Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ; xác định cụ thể phạm vi quản lý, chỉ đạo, chỉ huy, huy động của Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an cấp xã đối với lực lượng này đáp ứng yêu cầu thực tiễn như tại Điều 5 dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý.

Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, không thực hiện chức năng quản lý, không thuộc bộ máy Nhà nước mà tính chất hoạt động là tham gia hỗ trợ theo sự hướng dẫn, phân công, chỉ đạo trực tiếp của Công an cấp xã nên việc quy định quyền hạn và trách nhiệm pháp lý của lực lượng này là không hợp lý.

Về kinh phí hoạt động và trang bị cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhiều ý kiến đề nghị báo cáo đánh giá kỹ hơn về tổ chức, ngân sách khi thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cho rằng không chỉ dừng lại ở số lượng khoảng 300.000 người như Tờ trình dự án Luật do Chính phủ trình và sẽ tăng kinh phí, ngân sách bảo đảm; đề nghị có số liệu cụ thể chứng minh “không làm tăng biên chế”, “không làm tăng ngân sách” so với thực tiễn hiện nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tính đến tháng 12/2022, toàn quốc có 84.721 thôn, tổ dân phố. Nếu mỗi thôn, tổ dân phố đều thành lập Tổ bảo vệ An ninh trật tự thì với 84.721 Tổ bảo vệ An ninh trật tự cần có ít nhất là 254.163 người tham gia (mỗi Tổ cần ít nhất 3 người) và dự kiến mức chi tổng kinh phí cần bảo đảm để thực hiện theo quy định của dự thảo Luật là 3.505 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, do dự thảo Luật quy định mỗi Tổ bảo vệ An ninh trật tự có thể phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố, nên tổng số Tổ bảo vệ An ninh trật tự có thể giảm xuống, kéo theo tổng kinh phí bảo đảm cũng sẽ giảm xuống. Như vậy, với cách dự tính nêu trên thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn hiện nay.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bỏ nội dung quy định đối với địa phương khó khăn về ngân sách thì được ngân sách Trung ương hỗ trợ bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Đảm bảo cơ cấu tổ chức, cơ chế, chính sách cho lực lượng an ninh cơ sở

Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với báo cáo giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội đề nghị dự thảo Luật cần đảm bảo cơ cấu tổ chức, cơ chế, chính sách để phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như một “cánh tay nối dài” của lực lượng công an xã ở địa phương.

Một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được thảo luận trên hội trường Quốc hội.

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ trường hợp địa phương khó khăn về ngân sách, không cân đối được ngân sách thì đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ. Một số ý kiến khác cho rằng quy định trường hợp địa phương khó khăn về ngân sách thì được trung ương hỗ trợ là mâu thuẫn với quy định của Luật Ngân sách nhà nước vì nhiệm vụ chi của cấp nào thì ngân sách cấp đó bảo đảm.

Về chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ, một số đại biểu đề nghị quy định chế độ, chính sách cho lực lượng này theo nhiệm vụ được giao và chỉ hỗ trợ khi được huy động thực hiện nhiệm vụ chứ không hỗ trợ thường xuyên hằng tháng.

Góp ý tại Điều 26 về nhiệm vụ chi của địa phương, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) cho rằng, mặc dù trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập đến vấn đề nhiệm vụ chi nhưng đại biểu còn băn khoăn về nội dung này và đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Hoàng Ngọc Định phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đại biểu cho rằng, các nhiệm vụ chi phục vụ hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhiều, trong khi nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ khác của địa phương hằng năm rất lớn nên vượt quá khả năng cân đối ngân sách, đặc biệt là đối với những địa phương còn khó khăn, ngân sách chủ yếu phụ thuộc vào Trung ương.

Trong khi đó, chính sách do Trung ương đã ban hành và được ban hành mới trong thời kỳ ổn định ngân sách 2022 - 2025 chưa được tính trong định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước. Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định về cơ chế hỗ trợ, các địa phương khó khăn về ngân sách, không cân đối được ngân sách để bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng này.

Đại biểu cũng cho rằng, quy định như dự thảo Luật sẽ tạo sự không công bằng về chế độ giữa các địa phương do các tỉnh có điều kiện tự cân đối ngân sách sẽ có khả năng kinh phí để quy định mức chi cao hơn các địa phương khác có điều kiện khó khăn hơn trong khi nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở của các địa phương là giống nhau về bản chất.

Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi theo hướng quy định cụ thể mức chi hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoặc có thể chia theo mức hỗ trợ của các vùng, miền gắn với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội và an ninh trật tự của các địa bàn.

Một số ý kiến thảo luận cũng đề nghị quy định rõ tiêu chuẩn, trong đó cần có trần độ tuổi lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để đảm bảo sức khỏe, hiệu quả công việc của lực lượng này.

Theo đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông), cơ quan soạn thảo cần cân nhắc về độ tuổi tối đa khi tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đối với nam và nữ để đảm bảo tiêu chuẩn về thể chất, tình trạng sức khỏe đáp ứng công việc.

Cùng quan điểm với đại biểu Dương Khắc Mai, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) cho rằng Điều 13 của dự thảo Luật quy định, tiêu chuẩn tham gia là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, nhưng chưa đưa ra giới hạn tối đa tham gia lực lượng này. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, quy định về độ tuổi tối đa, vì hiện nay có nhiều tội phạm liều lĩnh, manh động, chống người thi hành công vụ, dễ gây thương tích cho người tham gia thực hiện nhiệm vụ. Người lớn tuổi có thể thiếu nhanh nhẹn, khó hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh.

Theo TTXVN/Báo Tin tức