(NTO) Chúng tôi về Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Vụ Bổn, xã Phước Ninh (Thuận Nam) khi nông dân nơi đây đang tập trung làm đất, xuống giống vụ hè-thu. Theo hướng dẫn của anh Từ Công Thức, Đội trưởng Đội sản xuất 2 của HTX ra cánh đồng, trước mắt chúng tôi là quang cảnh những nông dân “chân lấm, tay bùn” đang tất bật lao động trên các thửa ruộng.
Tranh thủ nước hồ Tân Giang về, nông dân thôn Vụ Bổn làm đất, xuống giống lúa vụ hè-thu.
Cánh đồng lúa Vụ Bổn có diện tích 325 ha, nhờ có nguồn nước tưới của hồ Tân Giang dẫn về nên đã chuyển từ sản xuất 1 vụ sang 2 vụ. Ngoài vụ đông-xuân là vụ chính, tùy thuộc thời điểm mưa sớm hay mưa muộn, vụ kế có khi là vụ hè-thu, có lúc là vụ mùa. Năm nay do có mưa sớm, nông dân đã khẩn trương gieo trồng vụ hè-thu. Anh Mã Lạc, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp Vụ Bổn cho biết: “Xã viên HTX là nông dân của cả 2 thôn Vụ Bổn và Tân Bổn, vì trước là một thôn chung tách ra. Vụ đông-xuân vừa qua, được sự hỗ trợ của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh, lần đầu tiên nông dân 2 thôn đã tham gia Liên minh sản xuất lúa giống Nhahoseed, tuy thời tiết không “ủng hộ”, nhưng với kết quả ban đầu đạt được đã tạo ra sự phấn khởi trong nông dân”. Theo hợp đồng, trong vụ đông-xuân, HTX đại diện cho tổ hợp tác sản xuất lúa giống Nhahoseed tổ chức cho 72 hộ nông dân canh tác diện tích 67,1 ha, toàn bộ sản phẩm thu hoạch sẽ được Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố bao tiêu. Nhưng do thời tiết bất thường, nhiều diện tích lúa bị bệnh đốm nâu nên chỉ có 15 hộ (khoảng trên 12 ha) thu hoạch được lúa đủ tiêu chuẩn giống, với sản lượng trên 86 tấn bán cho doanh nghiệp. Tỷ lệ hộ thành công chưa nhiều, nhưng qua đó cho thấy bán lúa giống theo hợp đồng đã lãi hơn bán ra thị trường bình quân 3 triệu đồng/ha. Đó mới là bán lúa tươi, còn nếu bán lúa khô mức lãi thêm là 6 triệu đồng/ha.
Trong thực tế, các hộ còn lại tuy lúa thu hoạch không đạt chuẩn giống nhưng năng suất bình quân đã tăng từ 6 tấn/ha lên 7 tấn/ha. Ông Phú Thiện, một nông dân kỳ cựu ở thôn Tân Bổn nói: “Tôi cũng làm 1 ha lúa, đây là lần đầu tiên tôi đạt năng suất trên 7 tấn/ha. Như mọi nông dân nghèo trong thôn, trước kia cứ vào mùa tôi phải ứng vốn tư thương, khi thu hoạch bị thu mua ép giá trừ nợ, tính đi tính lại chẳng còn lãi gì. Bây giờ có Liên minh, được đầu tư giống, biết sử dụng phân, thuốc hợp lý, được hướng dẫn kỹ thuật từ khâu xuống giống đến thu hoạch, lại chẳng còn phải lo khâu tiêu thụ nữa”. Tác động của Liên minh không riêng với vùng canh tác lúa giống mà cả với mọi cánh đồng lúa của HTX. Những năm trước bình quân năng suất lúa ở Vụ Bổn-Tân Bổn chỉ cỡ 6-6,2 tấn/ha, nay đã đạt bình quân 7 tấn/ha, cá biệt có hộ ông Lê Văn Long đạt 10 tấn/ha. Đây thực sự là bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Thấy được hiệu quả kinh tế và các lợi ích mà Liên minh mang lại, vào vụ thứ 2 (tức vụ hè-thu này) hàng loạt nông dân xã viên đăng ký tham gia. Tuy nhiên theo hợp đồng với Ban quản lý Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh, mỗi vụ chỉ sản xuất 83 ha lúa giống nên HTX chỉ chọn các hộ có đủ điều kiện năng lực tham gia.
Theo ký kết thỏa thuận thành lập Liên minh sản xuất lúa giống Nhahoseed Vụ Bổn, Ban quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp sẽ hỗ trợ cho Tổ hợp tác 3 vụ lúa (tổng diện tích sản xuất 3 vụ là 250 ha) với mức đầu tư hơn 10 triệu đồng/ha cho các khâu giống, vật tư nông nghiệp và các chi phí khác, tức là tương đương 40% so với tổng chi phí đầu tư (hơn 30 triệu đồng/ha). Để người dân có thể giám sát việc triển khai thực hiện dự án, HTX đã giao cho từng hộ xã viên tham gia Liên minh bản Kế hoạch đầu tư cụ thể về tất cả hạng mục cho mỗi ha lúa, kể cả hạch toán về mức lãi khi thu hoạch.
Trao đổi với chúng tôi, anh Mã Tài tâm sự: “Sau khi kết thúc thời gian hỗ trợ của dự án, Liên minh phải tự “bơi”, điều này khiến cho HTX rất lo lắng vì đây là vùng đồng bào dân tộc Chăm, đa số bà con còn rất nghèo, điều kiện tự nhiên lại khắc nghiệt nên chúng tôi mong Ban quản lý Dự án đề xuất với tỉnh cho thực hiện thêm 1-2 vụ nữa. Sự duy trì hoạt động Liên minh là lực đẩy để HTX hướng đến xây dựng vùng chuyên canh lúa giống bền vững”.
Bạch Thương