Vượt khó vươn lên, đạt nhiều thành quả trên nhiều lĩnh vực
Hậu Giang nằm ở vị trí trung tâm tiểu vùng Tây Nam sông Hậu. Suốt 20 năm kể từ khi tách tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang đã quan điểm xuất phát điểm thấp, tỉnh nhỏ thì phải nuôi khát vọng lớn; phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, nêu cao trách nhiệm, luôn cố gắng nỗ lực vì sự phát triển chung của tỉnh. Từ đó, đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp đưa Hậu Giang vượt qua bao khó khăn để vươn lên, đạt những thành quả tích cực ở nhiều lĩnh vực.
Tại cuộc làm việc, các thành viên trong đoàn công tác đã phát biểu làm rõ những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh cũng như những mặt còn tồn tại, giải pháp khắc phục để tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, các cơ quan hữu quan và Chính phủ đang thực hiện tiến trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với những tiềm năng, lợi thế hiện có của Hậu Giang, với những chính sách từ Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch Vùng, Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, tỉnh sẽ phát triển đồng bộ cả công nghiệp, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng phát triển vùng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng, ấn tượng trước sự đổi thay và phát triển mạnh mẽ của tỉnh, đồng thời nhấn mạnh: "Có thể nói, trong những năm gần đây, Hậu Giang đang nổi lên là "điểm sáng" trong bức tranh kinh tế của cả nước, luôn tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung".
Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 của tỉnh đạt 3,28% (cao hơn cả nước 2,56%); năm 2022 đạt 13,94%, mức cao nhất kể từ khi thành lập tỉnh, đứng thứ tư cả nước); 9 tháng năm 2023, đạt 13,30%, vươn lên đứng đầu cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, bình quân trên 15%/năm.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, có nhiều cơ hội phát triển mới, nhiều nhà đầu tư có uy tín đã đến Hậu Giang tìm cơ hội đầu tư. Cơ sở hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhiều công trình, dự án được đẩy nhanh tiến độ; các tuyến đường cao tốc đi qua tỉnh được triển khai tích cực, bài bản, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Theo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, sắp tới Hậu Giang sẽ có 2 tuyến đường cao tốc (Bắc - Nam và Đông - Tây) đi qua. Tỉnh đã nhận thức đây là cơ hội, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững, nên rất khẩn trương phối hợp với các địa phương trong Vùng để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Cách làm của Hậu Giang cũng có điểm mới, có thể nhân rộng - đó là đưa ra những nguyên tắc để lựa chọn nhà thầu thực hiện xây dựng đường cao tốc nhằm vừa lựa chọn được nhà thầu tối ưu, vừa đảm bảo chất lượng công trình.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục được chú trọng, đồng bộ từ việc ban hành cơ chế cho đến triển khai thực hiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, bình quân giảm 1,44%/năm. Lĩnh vực y tế có nhiều tiến bộ, nhất là trong công tác phòng chống dịch COVID – 19. Công tác an sinh, phúc lợi xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ấn tượng và đồng tình cao với chủ trương vận động xây dựng 1.400 căn nhà "Đại đoàn kết" cho các đối tượng khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới thực chất, đạt kết quả tích cực. Tỉnh đã ban hành Đề án về thí điểm đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ. Năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp không ngừng được nâng lên. Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND, UBND các cấp ngày càng thực chất, hiệu quả, chất lượng được nâng cao.
Về việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, tỉnh đã chủ động, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao; triển khai, hoàn thành khối lượng lớn công việc.
Phấn đấu sớm trở thành tỉnh có nền sản xuất công nghiệp khá
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Hậu Giang đã đạt được thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, quy mô nền kinh tế của Hậu Giang còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn cả nước, do xuất phát điểm thấp, nên Hậu Giang cần tiếp tục duy trì, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của cả nhiệm kỳ cũng như của cả nước; phấn đấu đạt mục tiêu đến 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh có nền sản xuất công nghiệp khá, đến năm 2050 trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá so với cả nước.
Cơ bản nhất trí với các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc và báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang lãnh đạo, chỉ đạo để sớm triển khai báo cáo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII. Trên cơ sở chương trình hành động chung của Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ, Đảng bộ tỉnh sớm xây dựng chương trình hành động để kịp thời phổ biến triển khai các Nghị quyết của Trung ương.
Cùng với đó, tỉnh khẩn trương hoàn thành việc trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện hiệu quả, chất lượng; đồng thời đề nghị Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long đôn đốc các tỉnh còn lại trong vùng sớm hoàn thành Quy hoạch tỉnh.
Hậu Giang coi trọng phát triển cả khu công nghiệp và cụm công nghiệp trong điều kiện quỹ đất đai phục vụ phát triển công nghiệp không còn nhiều, thu hút đầu tư trên tinh thần lựa chọn rất kỹ lưỡng, sử dụng diện tích đất ít nhưng giá trị đầu tư cao. Tỉnh phát huy lợi thế, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đồng thời liên kết để hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp chung của vùng. Nông nghiệp phải chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy mô hình sáng kiến "đập thời vụ".
Về giao thông, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí tỉnh cần thực hiện những dự án trọng điểm, nhưng cần lưu ý xây dựng các nút giao, đường gom để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí với phương châm của tỉnh đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh theo đúng phương châm "Một tâm, Hai tuyến, Ba thành, Bốn trụ, Năm trọng tâm"; đồng thời nhấn mạnh Hậu Giang có cơ hội phát triển công nghiệp, đồng thời xác định kỹ lại "Hai tuyến", xác định rõ hành lang phát triển, kết nối, liên kết vùng.
Chủ tịch Quốc hội thống nhất quan điểm của Hậu Giang đã thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua, đó là quy mô nhỏ thì khát vọng lớn, xuất phát điểm thấp thì phải "đi nhanh hơn". Nhấn mạnh yêu cầu công tác công nghiệp hóa tại chỗ, đô thị hóa tại chỗ dựa trên khả năng của địa phương và "thuận thiên", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh đẩy nhanh việc triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông kết nối với vùng. Đồng thời tỉnh cần phân tích thêm về chuyển dịch cơ cấu lao động, có giải pháp chuyển dịch lao động nông nghiệp sang khu vực khác phù hợp với xu hướng vận động phát triển của cơ cấu kinh tế. Cùng với đó tỉnh chú ý phát triển nguồn lao động chất lượng cao.
Đồng ý với các đề xuất của tỉnh, theo Chủ tịch Quốc hội chỉ còn mấy tháng nữa là hết năm 2023, tỉnh cần tập trung toàn lực, duy trì tốc độ tăng trưởng, đạt thành tích cao nhất trong năm, để cùng cả nước hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra.
Nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Chủ tịch Quốc hội mong Hậu Giang tục phát huy những kết quả đạt được, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong vùng để đảm bảo tiến độ thực hiện các tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh, tập trung giải quyết vấn đề thiếu vật liệu, nhất là cát, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023 để kịp thời hạn áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội.
Với các kiến nghị của tỉnh, về những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khẩn trương xem xét, quyết định. Trong đó, liên quan đến cơ chế đặc thù cho dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C), Chủ tịch Quốc hội cho biết đã có trong danh mục và tại Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, gắn với phân bổ nguồn vượt thu ngân sách năm 2022.
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét việc có thể ban hành một Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, trong đó có việc xem xét có giao cho tỉnh có năng lực làm chủ đầu tư dự án giao thông kết nối vùng hay việc bố trí vốn hỗn hợp trung ương - địa phương...
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có ý kiến trao đổi; Văn phòng Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị để gửi tới các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ đôn đốc và giám sát quá trình triển khai thực hiện. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khẩn trương xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
* Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Đoàn công tác chứng kiến Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trao tượng trưng 5 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 100 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn bức xúc về nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Theo TTXVN/Báo Tin tức