Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số như: Đã sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, đã sửa đổi, bổ sung Luật Tần số vô tuyến điện, đang tiến hành sửa đổi Luật Viễn thông, đã ban hành các Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030… Đây là những văn bản pháp lý quan trọng để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số quốc gia.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) cho biết: Việc xây dựng và thúc đẩy phát triển các nền tảng số quốc gia cho phép chia sẻ dữ liệu, hợp tác và đổi mới, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Đây là đặc thù của Việt Nam trong triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia một cách toàn dân, toàn diện. Đến năm 2025, Việt Nam hướng đến mục tiêu có 35 nền tảng số quốc gia trong các lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế, nông nghiệp, giao thông, tài chính..., cung cấp dịch vụ hiệu quả và dễ tiếp cận cho người dân Việt Nam.
Các đại biểu thảo luận chuyên đề 1 về chuyển đổi số.
Từ năm 2022, Việt Nam triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn quốc với nòng cốt là thanh niên, mục tiêu là “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn đến từng người dân sử dụng các nền tảng số”, tập trung 5 kỹ năng số cơ bản: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Mua sắm trực tuyến; Thanh toán trực tuyến; Tự bảo vệ mình trên không gian mạng; Sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương.
Cũng theo ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư, trong đó 52/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã.
Thời gian qua, Việt Nam đã hình thành khung pháp lý về an toàn an ninh thông tin và đang từng bước hoàn thiện để phù hợp với hoàn cảnh mới, như: Luật An toàn thông tin, Luận An ninh mạng, Nghị định của Chính phủ Việt Nam quy định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Ngoài việc xây dựng thể chế, khung pháp lý, Việt Nam chủ trương phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin “Make in Vietnam”, làm chủ công nghệ mới bảo đảm an toàn thông tin. Xây dựng mô hình 4 lớp từ trung ương tới địa phương nhằm đảm bảo các hệ thống thông tin được bảo vệ, giám sát và kiểm tra, đánh giá định kỳ. Đồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân, tạo lập niềm tin trong môi trường số, hình thành văn hóa số gắn liền với bảo vệ các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Quốc hội Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số hướng đến mục tiêu xây dựng Quốc hội điện tử và được đại biểu Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội đánh giá cao. Với sự hỗ trợ của công nghệ, các hoạt động điều hành của chủ tọa, sự tham gia của các đại biểu Quốc hội được thuận lợi hơn. Thông qua ứng dụng phần mềm, trí tuệ nhân tạo, các đại biểu Quốc hội được tiếp cận dễ dàng các tài liệu dạng điện tử thay cho các văn bản giấy trước đây, thuận tiện hơn trong việc tra cứu, tìm kiếm thông tin...
Trong giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19, Quốc hội Việt Nam vẫn duy trì các kỳ họp Quốc hội bằng hình thức họp trực tuyến. Những kết quả bước đầu trong việc chuyển đổi số thời gian qua của Quốc hội Việt Nam tiếp tục đặt nền móng vững chắc cho việc tiếp tục đổi mới về phương thức hoạt động của Quốc hội trong kỷ nguyên số.
ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh, trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn được tiếp thu các kinh nghiệm quý báu của các quốc gia khác về thực hiện chuyển đổi số góp phần tích cực vào quá trình phát triển đất nước, giúp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nhanh hơn, đột phá hơn.
Theo TTXVN/Báo Tin tức