Theo đó, Tổ công tác được thành lập gồm các lực lượng: Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Ma túy, Cảnh sát Cơ động, trinh sát hình sự hóa trang, Công an phường và lực lượng bảo vệ dân phố. Các lực lượng được phân công thành 03 chốt kiểm soát nồng độ cồn với khung giờ từ 20 – 22 giờ đêm. Trong đó có 02 chốt nội thành và 01 chốt thực hiện nhiệm vụ trên tuyến Quốc lộ 1A. Bên cạnh kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông, các lực lượng được phân công còn tổ chức kiểm tra hành chính, kiểm tra nhanh ma túy… nhằm phát hiện, phòng ngừa, kịp thời đấu tranh với các loại tội phạm, tránh bỏ lọt tội phạm.
Cảnh sát giao thông sử dụng máy đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông trên tuyến đường Nguyễn Tri Phương (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm).
Theo số liệu Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh cung cấp, đêm 12/9, tổ công tác đã tiến hành kiểm tra 340 phương tiện, trong đó, phát hiện và lập biên bản xử phạt 35 trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia và các chất có cồn. Trong đó có 08 lái xe ô tô, 26 lái xe mô tô vi phạm nồng độ cồn, 01 trường hợp ô tô khách vi phạm chở quá số người quy định.
Năm 2023, lãnh đạo Bộ Công an xác định quan điểm thiết lập kỷ cương, bảo đảm trật tự, an toàn trên các tuyến giao thông. Trong đó, tài xế có nồng độ cồn là một trong 3 hành vi vi phạm được tập trung xử lý để kéo giảm tai nạn cùng với hành vi chở quá tải trong và chạy quá tốc độ. Việc kiểm soát nồng độ cồn được lực lượng CSGT thực hiện trên cả nước, tập trung tại các khu đô thị nhằm tạo tính răn đe, hình thành thói quen “đã uống rượu, bia, không lái xe”; quá trình xử phạt cũng đã nhấn mạnh “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Đức Minh