Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn ĐBQH) tỉnh Hà Nam cho biết, hiện nay việc liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản ở một số địa phương còn chậm, liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa còn hạn chế. Kết nối liên vùng, kết nối thị trường còn rời rạc. Chi phí logistics còn cao; việc đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực phát triển ngành nông nghiệp. Vậy giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng trên như thế nào?
Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc thực hiện liên kết theo chuỗi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đây là chiến lược của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta. Do đó, hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
“Chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng của nông sản của nước ta và chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thống nhất với nhận định của đại biểu về thực trạng liên kết còn chậm. Theo báo cáo của các địa phương, chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng và không phải chuỗi nào cũng bền vững.
Vấn đề đặt ra là nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết này trong thời gian tới, từ đó khắc phục được tình trạng được mùa mất giá, hay câu chuyên nông dân bội tín với doanh nghiệp, doanh nghiệp, thương lái bỏ cọc.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 “biến” lớn: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Trong điều kiện thế giới thay đổi hàng ngày, hàng giờ, những xung đột, những chính sách của các nước thay đổi liên tục, tính dự báo khó có thể cầu toàn, mà cần có sự linh hoạt ngắn hạn.
Trong hoàn cảnh như vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn rằng, kỳ vọng vào việc dự báo cần có giới hạn nhất định. Những dự báo tầm dài cần nỗ lực đảm bảo tính chính xác, tuy nhiên, những dự báo ngắn hạn có sự thay đổi liên tục.
Về an ninh lương thực, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng cũng đã có công điện chỉ đạo khi nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực, hoặc khi một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo làm nảy sinh cơ hội, thời cơ cho chúng ta.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, trong tình hình như vậy, cần có thái độ bình tĩnh, vì mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt, nếu chỉ phân tích một khía cạnh, một phía, thì sẽ không có được cái nhìn toàn diện.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, ưu tiên hiện tại là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực, đồng thời cũng không gây sốc cho thị trường nội địa, hay làm ảnh hưởng tới giá tiêu dùng trong nước.
“Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang quán triệt để thực hiện tốt Công điện này”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Theo TTXVN/Báo Tin tức