Theo đài Sputnik, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Bắc Cực và Nam Cực của Nga (AARI) cùng các đồng nghiệp tại Viện Nghiên cứu Vật lý Nông nghiệp và Viện Các vấn đề Y sinh của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đã hoàn thành thành công thí nghiệm đầu tiên trồng dưa hấu tại trạm Vostok ở Nam Cực.
Ảnh minh hoạ: Sputnik
Cụ thể, các nhà thám hiểm vùng cực đã trồng được 8 quả dưa hấu chín và ngọt trong 103 ngày bằng cách sử dụng công nghệ panoponics không dùng đất.
“Chúng tôi đã trồng được dưa hấu trong điều kiện khắc nghiệt nhất ở Nam Cực. Hương vị và mùi thơm không thua gì dưa hấu ở nhà. Quả dưa có đường kính 13 cm và nặng 1 kg”, nhà địa vật lý Andrey Teplyakov, người đứng đầu dự án tại trạm Vostok, cho biết trong thông cáo của AARI.
Dưa hấu ở Nam Cực do các nhà khoa học Nga trồng. Ảnh: Telegram
Khi trồng dưa hấu ở trạm Vostok của Nam Cực, chất thay thế đất mỏng, dung dịch dinh dưỡng và ánh sáng được lựa chọn đặc biệt. Ảnh: Telegram
Giám đốc AARI Aleksandr Makarov nhấn mạnh ngoài lợi ích khoa học và lợi ích thiết thực của việc có rau quả tươi, dự án còn có một số lợi ích bổ sung quan trọng.
“Nhà kính tại trạm có tác động tích cực đến trạng thái cảm xúc của các nhà thám hiểm vùng cực - những người trải qua nhiều tháng sống biệt lập, trong điều kiện đêm vùng cực, nhiệt độ thấp và không gian sống hạn chế”, ôngMakarov nói.
Viện nghiên cứu của Nga cũng đã công bố kế hoạch phát triển công nghệ trồng mâm xôi, việt quất và dâu tây ở Nam Cực.
Dưa hấu chín. Ảnh: Telegram
Thử nghiệm trồng rau tại trạm Vostok mang tên “Rastenia” (trong tiếng Nga có nghĩa là thực vật) đã được tiến hành từ tháng 2/2020. Mùa trước, các nhà thám hiểm vùng cực của Nga đã trồng được khoảng 28 kg cà chua và 9 kg hạt tiêu.
Ảnh: Telegram
Một trong những mục tiêu của thí nghiệm này là thử nghiệm các công nghệ trồng cây cho căn cứ trên Mặt Trăng.
Vostok là nhà trạm nghiên cứu nội địa duy nhất của Nga ở Nam Cực hoạt động quanh năm. Vào tháng 7/1983, nơi này ghi nhận nhiệt độ không khí thấp nhất trên hành tinh, ở mức âm 89,2 độ C.
Theo TTXVN/Báo Tin tức