Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 26-2-2007 của Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục-thể thao đến năm 2010”, bên cạnh kết quả đạt được trên các lĩnh vực, công tác xã hội hóa trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo của tỉnh đã thu được một số kết quả bước đầu quan trọng: Nhận thức về xã hội hóa giáo dục và đào tạo của các cấp, các ngành và nhân dân đã có những chuyển biến tích cực, đã có sự hưởng ứng, tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh vào các hoạt động giáo dục và đào tạo nhờ đó tỉnh có điều kiện để tập trung đầu tư ngân sách cho phát triển giáo dục ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Quy mô giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, số trường, lớp học tăng nhanh và phát triển đều khắp các vùng trong tỉnh. Hệ thống trường lớp ngoài công lập cũng đang hình thành và phát triển, thu hút tối đa số học sinh trong độ tuổi đến trường. Xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề cũng có nhiều tiến bộ, đang từng bước thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiện số cơ sở dạy nghề ngoài công lập chiếm 30%, ngành nghề đào tạo ngày càng phong phú, đa dạng; 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng đã góp phần tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu học tập của mọi tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục và đào tạo cũng còn một số mặt hạn chế, yếu kém: Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên và sâu rộng; nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa cao, còn tư tưởng ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước, một số chính sách khuyến khích xã hội hóa còn bất cập và vướng mắc trong thực hiện, tiến độ triển khai còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế ở từng địa phương, một số ngành và địa phương chưa thật sự chủ động và còn lúng túng trong khâu tổ chức thực hiện nên chưa trở thành phong trào rộng khắp; kết quả huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo còn hạn chế, các cơ sở ngoài công lập chưa nhiều, hầu hết có quy mô nhỏ, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực, địa bàn có nhiều lợi thế.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do một số cấp ủy Đảng và chính quyền chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức; điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn, thu nhập dân cư thấp, điều kiện về kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, cơ chế chính sách cụ thể về khuyến khích đầu tư chưa thật sự hấp dẫn nên hạn chế trong thu hút đầu tư xây dựng cơ sở ngoài công lập, ngành giáo dục và đào tạo chưa thật sự chủ động trong tham mưu, đề xuất; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa thật đồng bộ và thiếu chặt chẽ, vẫn còn tư tưởng coi đó là nhiệm vụ của ngành giáo dục vào đào tạo…
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục và đào tạo trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác xã hội hóa giáo dục và đào tạo, trong đó lưu ý tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1/ Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xã hội hóa giáo dục, nhất là Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18-4-2005, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30-5-2008 của Chính phủ; Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 26-2-2007 của Tỉnh ủy (khóa XI). Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh cần xác định công tác xã hội hóa giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên; đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác xã hội hóa giáo dục và đào tạo vào nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo hàng năm… nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ và sự đồng thuận của nhân dân; thu hút sự quan tâm đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh. Phát huy truyền thống hiếu học, huy động trí lực, vật lực toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục- đào tạo; tạo sự công bằng xã hội trong giáo dục, tạo ra phong trào “học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời” trong nhân dân nhằm thực hiện mục tiêu “xây dựng cả tỉnh thành một xã hội học tập” theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 9-2-2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI); đồng thời tạo điều kiện để mọi người, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo được thụ hưởng thành quả giáo dục ở mức độ ngày càng cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
2/ Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng quy hoạch mạng lưới trường, lớp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; dành quỹ đất hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục và đào tạo bao gồm cả công lập và ngoài công lập theo định hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa”; không mở thêm các cơ sở công lập ở những vùng kinh tế phát triển, không duy trì các cơ sở bán công, các lớp bán công trong các trường công lập.
- Có cơ chế chính sách để các cơ sở giáo dục và đào tạo được phép liên kết với các cơ sở giáo dục và đào tạo có uy tín để hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm nâng cao trình độ chuyên môn, công tác quản lý, tạo điều kiện để những người đang công tác ngoài ngành giáo dục có trình độ và uy tín và đủ điều kiện được tham gia giảng dạy trong các cơ sở của ngành giáo dục và đào tạo.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, gắn đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát về hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng như công tác xã hội hóa giáo dục và đào tạo. Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm, việc làm gây cản trở đến việc thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước.
3/ Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo ban hành các chế độ chính sách ưu đãi có sức hấp dẫn, phù hợp với điều kiện của địa phương để khuyến khích, thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; phê chuẩn kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo của tỉnh; về quy hoạch mạng lưới trường lớp; về hỗ trợ từ ngân sách hoặc huy động nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên cho phù hợp với yêu cầu mới. Tăng cường công tác giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách liên quan công tác xã hội hóa nói chung và xã hội hóa trên lĩnh vực giáo dục-đào tạo nói riêng.
4/ Đảng đoàn UBMTTQVN tỉnh, các đoàn thể, tổ chức xã hội tăng cường sự phối kết hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hưởng ứng và tham gia tích cực công tác xã hội hóa giáo dục và đào tạo; huy động nhiều nguồn lực xã hội đầu tư để công tác xã hội hóa phát triển thành phong trào rộng khắp, đúng hướng cả chiều rộng và chiều sâu; đồng thời tham gia giám sát, phản biện xã hội và giải quyết tốt những vấn đề tư tưởng phát sinh trong thực hiện chính sách xã hội hóa từ cơ sở.
5/ Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc căn cứ tình hình thực tế và Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục và đào tạo trên địa bàn.
6/ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có trách nihệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin truyền thông của tỉnh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, giải đáp về các chính sách xã hội về giáo dục và đào tạo để các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hiểu rõ về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh, tích cực tham gia đầu tư xây dựng trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho phát triển giáo dục và đào tạo theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại hóa; tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong phát triển giáo dục và đào tạo ở các địa phương, vùng, miền trong tỉnh; phản ánh cách làm hay, điển hình tốt để nhân rộng.
7/ Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các Ban Đảng của Tỉnh ủy hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả chỉ thị này; định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất các giải pháp để Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo kịp thời.
Chỉ thị này được quán triệt đến tận chi bộ và phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân.