Huyện Ninh Phước có diện sản xuất nông nghiệp hơn 25.500 ha. Thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, với các mô hình như: Mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa, bắp, măng tây xanh với tổng diện tích hơn 2.346 ha; mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm 535,3 ha; mô hình bao lưới quả táo 624 ha; diện tích lúa, nho, táo được chứng nhận VietGAP và hữu cơ đạt 196 ha. Thông qua hoạt động chuyển giao KHCN, đã tạo cơ hội cho các nông hộ tiếp cận được kỹ thuật mới, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, nâng cao thu nhập. Chị Hán Nữ Mai Kim Huyền, ở thôn Thành Tín, xã Phước Hải, chia sẻ: Nhờ áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và tuân thủ quy trình kỹ thuật nên 5 sào măng tây xanh của gia đình luôn phát triển tốt, cho năng suất cao, mỗi tháng cho thu nhập trên 20 triệu đồng.
Nông dân xã Phước Hải (Ninh Phước) chăm sóc cây măng tây xanh.
Đồng chí Nguyễn Tấn Quang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), cho biết: Xác định ứng dụng KHCN vào sản xuất là giải pháp tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, bám sát tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đơn vị chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức khoa học xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện với mục tiêu chủ đạo là tập trung các nguồn lực để nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, ưu tiên chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu. Nhiều đề tài nghiên cứu được tổ chức triển khai sát với thực trạng sản xuất ở từng địa phương.
Từ đầu năm 2023 đến nay, hoạt động KH&CN tiếp tục đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất, các đề tài nghiên cứu gắn liền với các loại sản phẩm đặc thù của tỉnh đã được nghiệm thu và tổ chức ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn sản xuất, cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 18 dự án trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 242,6 ha; nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ trên 4.903 ha trên các loại cây trồng lúa, nho, táo, hành, tỏi, măng tây, đều và một số cây ăn quả khác; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm đạt trên 14.297 ha; ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng trồng dưa lưới, măng tây; nhân rộng mô hình kỹ thuật bao lưới quả táo đạt 797,6 ha/1.460 hộ; duy trì và mở rộng diện tích sản xuất 35 cánh đồng lớn, với 4.720 ha... Cùng với đó, công tác tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân được quan tâm, chú trọng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở KHCN tổ chức 6 lớp tập huấn trên lĩnh vực trồng trọt, thu hút 300 lượt nông dân tham gia. Qua đó, góp phần tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương pháp canh tác manh mún, nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất tập trung gắn với áp dụng kỹ thuật tiên tiến trên diện rộng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.
Phát huy kết quả đạt được, Sở KH&CN tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, kế hoạch của UBND tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo của tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Hướng hoạt động nghiên cứu, chuyển giao KHCN vào sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng, có lợi thế của địa phương; tăng cường tập huấn, khuyến khích doanh nghiệp, chủ cơ sở, hộ cá thể mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Hồng Lâm