Báo cáo đề dẫn hội thảo, lãnh đạo Sở VH,TT&DL cho biết việc UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm là di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp không chỉ tôn vinh giá trị nghề truyền thống mà còn khẳng định giá trị văn hóa của cộng đồng, của nỗ lực chung tay góp sức để bảo tồn, lưu giữ một nghệ thuật độc đáo riêng có trước những thách thức trong xu thế hội nhập và kinh tế thị trường. Sự ghi danh này mở ra cơ hội để nghệ thuật làm gốm của người Chăm tiếp tục tồn tại và phát triển.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung tham luận các lĩnh vực: Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Việt Nam. Nghiên cứu gốm Bàu Trúc phục vụ việc bảo tồn và phát huy giá trị. Nghệ thuật làm gốm của người Chăm những vấn đề cần bảo vệ khẩn cấp theo tiêu chí của UNESCO. Bảo tồn và phát huy nghệ thuật làm gốm của người Chăm sau khi được UNESCO ghi danh là DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Làng gốm Bàu Trúc bảo tồn và phát triển trong bối cảnh kinh tế - xã hội mới. Khai thác hiệu quả gốm Chăm làng Bàu Trúc cho phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận. Sự gắn kết giữa nghệ thuật làm gốm Chăm và phát triển du lịch bền vững...
Các đại biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: S.Ngọc
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao chất lượng tham luận của các đại biểu góp phần quan trọng làm nên sự thành công của hội thảo. Đồng chí mong muốn các nhà khoa học, các nhà quản lý, doanh nhân và cộng đồng nghệ nhân tiếp tục đồng hành cùng chính quyền tỉnh Ninh Thuận trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy nghệ thuật làm gốm của người Chăm để gốm Chăm sớm bước qua giai đoạn bảo vệ khẩn cấp, tiến tới phát triển ổn định. Đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển nghệ thuật gốm Bàu Trúc theo hướng bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân làng nghề gốm.
Sơn Ngọc