Bài 2: Nhiều “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển năng lượng tái tạo

Được đánh giá là địa phương giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo (NLTT) nhưng việc khai thác NLTT ở Ninh Thuận vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và gặp nhiều khó khăn, thách thức để xây dựng tỉnh trở thành trung tâm NLTT quốc gia.

Lãng phí nguồn lực đầu tư xã hội

Sau “cuộc đua” phát triển điện mặt trời (ĐMT), điện gió (ĐG), nhiều nhà đầu tư “bước hụt”, không kịp vận hành đúng thời điểm để hưởng giá ưu đãi. Giờ đây, họ đang từng ngày “ngồi trên lửa”. Việc không ký được hợp đồng bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các trang trại ĐG, ĐMT để thiết bị giá trị hàng nghìn tỷ đồng phơi nắng, mưa. Thiệt hại về vật chất là không thể đo đếm. Còn về phía EVN cũng không thể mua điện từ nguồn NLTT này, vì chưa có cơ chế giá, gây lãng phí nguồn tài nguyên tái tạo của đất nước. Theo Sở Công Thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3 dự án ĐMT đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhưng chỉ có một phần công suất được EVN huy động ghi nhận sản lượng nhưng chưa được thanh toán tiền điện với tổng công suất là 372 MW (tương đương 465 MWp). Đến tháng 9/2022, EVN đã tạm dừng huy động phần công suất này cho đến nay. Mặc dù ngày 7/1/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-BTC về khung giá điện đối với các nhà máy ĐMT, ĐG chuyển tiếp. Tuy nhiên, việc đàm phán đấu nối vẫn gặp nhiều khó khăn bởi chưa được hướng dẫn chi tiết cụ thể và vướng nhiều thủ tục liên quan.

Dự án điện mặt trời 450 MW Trung Nam-Thuận Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phát điện lên lưới, sau khi EVN dừng huy động động 40% công suất (172 MW) điện của nhà máy.

Đơn cử như tại dự án ĐMT 450 MW Trung Nam - Thuận Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phát điện lên lưới và đứng trước nguy cơ phá sản. Là dự án lớn với cách làm táo bạo, triển khai nhanh chóng, chỉ trong 102 ngày, đêm đã hoàn thành đồng bộ gồm nhà máy ĐMT 450 MW, kết hợp với hạ tầng truyền tải 500 kV và 220 kV đấu nối phát điện vào hệ thống điện quốc gia. Dự án “có một không hai” này đã góp phần giải tỏa công suất cho các nhà máy NLTT trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay nhà máy này chỉ mới vận hành được 60% công suất hưởng giá điện theo Quyết định số 13/2020QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; còn lại 40% công suất (172 MW) chưa được EVN huy động công suất.

Ông Vũ Văn Nhuần, Phó Giám đốc Công ty TNHH ĐMT Trung Nam - Thuận Nam cho biết: Việc EVN có quyết định dừng huy động động 40% công suất (172 MW) điện của nhà máy với lý do chưa có cơ chế từ ngày 1/9/2022 và kéo dài đến nay đã gây lãng phí phí đầu tư xã hội, gây khó khăn cho đơn vị chủ đầu tư. Theo tính toán mỗi ngày đơn vị đã chịu thiệt hại 2,2 tỷ đồng, tạo ảnh hưởng rất lớn đến phương án tài chính trong việc trả nợ tiền gốc và lãi ngân hàng của đơn vị.

Các kỹ sư Trungnam Group vận hành lưới điện.

Tương tự dự án ĐG Hanbaram công suất 117 MW với 29 tuabin gió tại huyện Ninh Hải và Thuận Bắc có tổng mức đầu tư 3.405 tỷ đồng đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng nhưng đến nay mới chỉ có 24 MW được huy động công suất, còn lại 93 MW vẫn chưa được công nhận ngày vận hành thương mại. Do đó, phần lớn các tuabin gió của dự án này vẫn phải chờ thủ tục đấu nối để đưa vào vận hành phát điện thương mại. Ngoài ra, có 2 dự án ĐMT Phước Thái 2 và Phước Thái 3, có tổng công suất 100 MW cũng đang triển khai xây dựng nhưng chưa có phương án đấu nối để phát điện lên lưới.

Chờ chính sách

Trước những khó khăn hiện nay, các dự án NLTT trên địa bàn tỉnh mặc dù đã được cấp chủ trương đầu tư, có trong quy hoạch nhưng đều không “mặn mà” đầu tư và tạm ngừng thực hiện các bước xúc tiến đầu tư vào các dự án. Hầu hết các chủ dự án đều lo lắng và chờ đợi về chính sách mua bán điện của Chính phủ mới xác định bước đầu tư tiếp theo. Đồng chí Đạo Văn Rớt, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Việc chưa kịp thời ban hành chính sách phù hợp về giá ĐMT, ĐG (FiT) sau khi giá ĐMT, ĐG đã hết hiệu lực làm cho việc thu hút đầu tư phát triển NLTT tại địa phương gặp nhiều khó khăn kéo dài. Hiện nay địa phương phụ thuộc vào tiến độ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) mới có đủ cơ sở định hướng phát triển năng lượng cho phù hợp.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, phát triển NLTT cả nước nói chung và Ninh Thuận nói riêng còn mới, hệ thống chính sách pháp luật chưa đầy đủ và đồng bộ, thời gian triển khai thực hiện dự án để hưởng cơ chế bán điện NLTT còn ngắn, thủ tục hành chính quy định về phát triển NLTT rất nhiều và phức tạp, dẫn đến quá trình phát triển NLTT còn nhiều bất cập. Chưa kể giai đoạn triển khai đầu tư các dự án NLTT là thời kỳ cao điểm bùng phát dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các dự án trên địa bàn. Một điều bất cập của phát triển NLTT hiện nay là tính đồng bộ trong phát triển ngành điện và lưới điện điện truyền tải còn nhiều hạn chế, không đồng bộ giữa quy hoạch nguồn điện và lưới điện; tiến độ đầu tư chưa đảm bảo yêu cầu được duyệt. Chính sách khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào ngành điện, nhất là đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải thiếu đồng bộ và chưa kịp thời. Đó là những rào cản lớn để phát triển NLTT, xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng theo mục tiêu đặt ra.