- Phóng viên: Thưa đồng chí, trong những năm qua, công tác dân vận chính quyền ở tỉnh ta đã triển khai thực hiện đạt được những kết quả như thế nào, cũng như những tồn tại, hạn chế?
- Đồng chí Trần Minh Lực: Tôi rất tâm đắc khi các đồng chí đặt câu hỏi liên quan đến lĩnh vực này. Trong những năm qua, công tác dân vận chính quyền ở tỉnh ta đã quan tâm chỉ đạo thực hiện bao gồm: Quy chế dân chủ ở cơ sở, Chỉ thị 18-CT/TTg của Chính phủ tăng cường công tác dân vận, công tác cải cách hành chính và đã phát động phong trào “dân vận khéo”, “năm dân vận chính quyền”…đã được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh triển khai, tổ chức thực hiện đạt kết quả nhất định. Cụ thể đã đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân; thực hiện tốt Quy chế dân chủ xã, phường, thị trấn, đã huy động nhiều nguồn lực trong nhân dân, góp phần vào công tác xóa đói-giảm nghèo, bê-tông hóa đường trong thôn, khu phố, giữ vệ sinh môi trường, giúp nhau trong các mô hình sản xuất và nâng cao công tác tự quản, hòa giải thành ở cơ sở; công tác cải cách hành chính được thường xuyên rà soát, bổ sung theo hướng thuận tiện giảm phiền hà và đạt hiệu quả trên một số lĩnh vực; công tác tiếp dân giải quyết khiếu nại tố cáo và đối thoại trực tiếp với nhân dân được đẩy mạnh; tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao trong việc giúp nhân dân xóa đói-giảm nghèo, giúp nhân dân lúc thiên tai bão lũ, lúc tai nạn khó khăn, ngặt nghèo…Những kết quả đó đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân với Đảng, chính quyền, góp phần tích cực trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy giữ vững quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
Tuy nhiên, qua thực tế cũng còn những hạn chế như: một số cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị nhận thức về công tác dân vận trong thực thi nhiệm vụ của mình chưa đầy đủ; phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân chưa tốt; thực hiện Quy chế dân chủ, cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại khiếu kiện của nhân dân ở một số cơ quan chưa tốt; một bộ phận nhân dân chưa thực hiện đúng trách nhiệm nghĩa vụ của mình theo pháp luật. Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên đã làm chậm tiến độ thực hiện các Dự án kinh tế, xã hội; phát sinh ngày càng nhiều khiếu nại, tố cáo trong nhân dân; để xãy ra tiêu cực tham nhũng trong một số cơ quan, đơn vị; chưa huy động nhiều nguồn lực cho phát triển và cuối cùng kinh tế, xã hội tỉnh nhà gặp nhiều khó khăn và chậm phát triển.
- Phóng viên: Quán triệt học tập và để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sớm đi vào cuộc sống, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 54-CTr/TU ngày 9-6-2011. Theo đồng chí, trên lĩnh vực công tác dân vận chính quyền thì cần đẩy mạnh những giải pháp nào để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết XII của Đảng bộ tỉnh.
- Đồng chí Trần Minh Lực: Giai đoạn 2011-2015, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Vì vậy, cần có những bứt phá với quyết tâm lớn trong triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp, trong đó giải pháp tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, trong nhân dân là hết sức quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ tỉnh.
Những giải pháp công tác dân vận chính quyền trong thời gian đến cần tập trung, như sau:
Một là, nâng cao nhận thức trách nhiệm phục vụ nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn hệ thống chính trị: Tiếp tục cụ thể hóa, quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định 290-QĐ/TW ngày 25-2-2010 của Bộ Chính trị về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa, tầm quan trọng công tác dân vận chính quyền trong tình hình mới; Tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng, hội thi trong đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm việc liên quan đến nhân dân.
Hai là, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 18/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước: Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 18/2000/CT-TTg về tăng cường công tác dân vận ở các cấp, bố trí cán bộ theo dõi công tác dân vận, công tác Quy chế dân chủ ở các cơ quan, đơn vị. Đảm bảo hoạt động của cán bộ, công chức thường xuyên được đôn đốc, nhắc nhở về tinh thần trách nhiệm phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi quyết định những vấn đề liên quan lợi ích nhân dân, lợi ích cộng đồng.
Ba là, đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ trên tất cả các loại hình cơ sở: Tiếp tục cụ thể hóa các loại hình Quy chế dân chủ cơ sở cho phù hợp với tình hình mới; triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, quyết định của chính quyền đến nhân dân phải kết hợp: công khai minh bạch, vận động thuyết phục, thấu tình, đạt lý; Thủ trưởng các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm tổ chức đối thoại trực tiếp với tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân để lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và kịp thời tháo gỡ những bất cập; thực hiện công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định của pháp luật.
Bốn là, nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, xem đây là giải pháp cơ bản nhất và có tính quyết định trong công tác dân vận chính quyền: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trước hết phải kỷ cương, gương mẫu và thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực công tác, trách nhiệm công việc, lề lối làm việc, văn hóa ứng xử nơi công sở để xây dựng đội ngũ là công bộc nhân dân.
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác dân vận chính quyền; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa UBND các cấp với các Ban Đảng, Mặt trận, đoàn thể các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong việc phản biện xã hội, giám sát và tham gia xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Sáu là, nâng cao ý thức, trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân bằng cách: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước để vận động nhân dân ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; Nghiêm khắc xử lý kịp thời những trường hợp lợi dụng dân chủ, cố ý làm sai, hoặc nghe kẻ xấu kích động khiếu kiện đông người, tố cáo sai sự thật làm cho sự việc thêm phức tạp và gây cản trở đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, cho người thực thi công vụ.
Bảy là, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp thường xuyên thực hiện công tác đôn đốc, nhắc nhở, giám sát, kiểm tra, tổ chức sơ kết, tổng kết về công tác dân vận chính quyền để kịp thời biểu dương khen thưởng những cơ quan, đơn vị thực hiện có kết quả, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, lợi dụng chức vụ quyền hạn xâm phạm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của nhân dân.
Tôi nghĩ những giải pháp trên đây được lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thường xuyên liên tục, thì sẽ góp phần rất lớn vào chất lượng, hiệu quả công tác của các ngành, các cấp.
- Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
M.L (thực hiện)