Đảm bảo vệ sinh môi trường trong dịp lễ hội

Chỉ còn vài ngày nữa, Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023 (gọi tắt là lễ hội) diễn ra. Để chuẩn bị cho sự kiện này, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh, đặc biệt là Tp. Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Phước khẩn trương ra quân vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan tại một số khu vực, nhằm tạo ấn tượng cho du khách khi đến Ninh Thuận dịp lễ hội.

Lực lượng dân quân thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) tham gia
tổng vệ sinh môi trường để đón Lễ hội. Ảnh: Mỹ Dung

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Phan Rang - Tháp Chàm, từ tháng 4 đến nay, UBND thành phố xây dựng kế hoạch ra quân tổng vệ sinh môi trường phục vụ các hoạt động chào mừng sự kiện lễ hội. Theo đó, Ban Quản lý dịch vụ công ích thành phố chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, khảo sát các khu vực công cộng, tuyến đường chào mừng các sự kiện của lễ hội. Tổ chức ra quân tổng vệ sinh các tuyến đường, tuyến phố, khu vực công cộng, khu vực ven biển, dọc các kênh mương, trụ sở các cơ quan đơn vị, các điểm du lịch, vui chơi... Tại công viên biển Bình Sơn, cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, rác đọng đều được dọn dẹp sạch sẽ, cảnh quan môi trường sạch đẹp hơn. Cùng với việc ra quân tổng vệ sinh môi trường, thành phố còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức, đoàn thể; vận động các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường; từng bước hình thành nếp sống văn minh đô thị, có trách nhiệm hơn với môi trường và góp phần phát triển du lịch của địa phương. Nhờ vậy, ý thức người dân ngày càng nâng cao, tự nguyện cùng chung tay với chính quyền tham gia vệ sinh môi trường. Ông Đình Chiến, người dân khu phố 3, phường Mỹ Bình chia sẻ: Biết được tỉnh ta sắp diễn ra lễ hội, tôi và gia đình rất háo hức mong chờ. Với mong muốn lan tỏa hình ảnh đẹp, ấn tượng tốt cho du khách tham quan về Ninh Thuận, mỗi ngày sau khi đi tắm biển về tôi tranh thủ thu gom rác thải ở bờ biển vào đúng nơi quy định để biển được sạch hơn, thu hút nhiều du khách đến tham quan, nâng cao đời sống người dân địa phương.

Là địa phương được “vinh danh” tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) đang khẩn trương ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường. Theo ghi nhận của phóng viên, những con đường dẫn vào làng gốm Bàu Trúc trước những ngày diễn ra lễ hội được trải nhựa sạch đẹp, thông thoáng hơn, các cơ sở, hợp tác xã sản xuất gốm sẵn sàng đón khách tham quan. Để có được kết quả đó, UBND thị trấn Phước Dân đã huy động hàng trăm cán bộ, nhân dân, đoàn viên, thanh niên, học sinh và 40 chiến sĩ trong lực lượng dân quân thực hiện tổng vệ sinh môi trường làm sạch đường làng, ngõ xóm, khu vực làm việc của các cơ quan, nhà trưng bày gốm, Nhà sinh hoạt cộng đồng Chăm Bàu Trúc và dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, khu vực công cộng và các tuyến đường. Trong đó, tập trung khu vực trung tâm hành chính huyện, làng nghề gốm Bàu Trúc, làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Khu du lịch sinh thái làng sen Mỹ Nghiệp, các chợ dân sinh, dọc tuyến đường tỉnh 703, Quốc lộ 1... Việc ra quân tổng vệ sinh không chỉ tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường thành thói quen, nếp sống, sinh hoạt, ý thức trách nhiệm của cả cộng đồng mà còn tạo ấn tượng đẹp đối với du khách khi đến làng nghề.

Nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Ninh Phước được trang trí cờ rực rỡ sẵn sàng đón lễ hội.

Đồng chí Đàng Sinh Ái Chi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân cho biết: Để đảm bảo vệ sinh môi trường trong dịp tỉnh ta tổ chức lễ hội, thị trấn ra quân vệ sinh môi trường liên tục đến ngày 21/6/2023. Đồng thời, nâng cao tuyên truyền để bà con cùng đồng lòng hưởng ứng tham gia. Công tác chuẩn bị sẽ hoàn tất trước ngày 10/6 để sẵn sàng triển khai các hoạt động trong sự kiện của lễ hội. Đây không chỉ là các hoạt động chào mừng đón nhận bằng của UNESCO về nghề gốm của người Chăm, mà còn góp phần quảng bá, giới thiệu về làng nghề và các sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, các sản phẩm đặc thù của thị trấn tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách, góp phần thúc đẩy du lịch ở địa phương ngày càng phát triển.

Với tinh thần chủ động, khẩn trương, hy vọng các hoạt động hưởng ứng lễ hội diễn ra trên địa bàn tỉnh sẽ thành công tốt đẹp, góp phần lan tỏa, quảng bá hình ảnh quê hương, con người và danh lam thắng cảnh đến với du khách trong và ngoài tỉnh.