Đồng tình với câu hỏi, đánh giá của một số đại biểu đề cập đến lĩnh vực logistics và phần trả lời đi thẳng vào vấn đề của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, ông Phan Đình Toán, Thạc sỹ kinh tế, quận Ngô Quyền cho rằng, điểm nổi bật của ngành dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay là chi phí cao so với mức trung bình của thế giới. Kết cấu hạ tầng logistics chưa đồng bộ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, thiếu các trung tâm logistics, nhiều thủ tục liên quan bất cập.
Hải Phòng với nhiều tiềm năng, lợi thế thuận lợi, đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng trong nước và quốc tế, luôn là một trong những địa phương đi đầu của cả nước trong lĩnh vực logitistics. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics đang hoạt động và đã có những đóng góp bước đầu tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội, xuất nhập khẩu của thành phố Hải Phòng.
Quang cảnh phiên chất vấn. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, những "điểm nghẽn" cũng là những khó khăn rất thực tế của doanh nghiệp đã đặt ra cho Hải Phòng nói riêng, cho các địa phương nói chung yêu cầu cần có những chính sách và chiến lược cụ thể để đón đầu xu hướng hình thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại.
Theo ông Phan Đình Toán, hoạt động logistics ngày càng phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào sự phát triển nền kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng… Để thu hút đầu tư phát triển ngành dịch vụ logistics, các địa phương cần có những khuyến nghị với Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, xem xét, cho phép cơ chế linh hoạt trong việc định ra các ưu đãi đầu tư nhất là kết cấu hạ tầng (thời hạn cho thuê đất, việc giải phóng mặt bằng, thuế, vay vốn ưu đãi). Đồng thời, đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistic, phát triển các trung tâm logistic lớn tại khu vực; rà soát quy hoạch các kho bãi, ICD, depot nhỏ lẻ, không tập trung gây lãng phí diện tích và gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, phát sinh cạnh tranh không lành mạnh.
Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cấp có thẩm quyền tiếp tục tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, phát huy tối đa vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; ưu tiên kết nối đường thủy nội địa với cảng biển trên cơ sở đầu tư xây dựng bến thủy nội địa hỗ trợ cảng biển trong vùng nước cảng biển, nghiên cứu quy hoạch hệ thống đường sắt kết nối trực tiếp đến các trung tâm logistic, các cảng. Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động logistics. Hiện nguồn nhân lực phục vụ ngành logistics tại các địa phương còn thiếu trầm trọng và chưa đồng bộ, do đó các cơ sở đào tạo cần đặc biệt quan tâm, đầu tư cho ngành học này. Muốn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì việc đầu tiên phải làm là thu hút được nguồn tuyển sinh đầu vào cho ngành logistics là những học viên có năng lực, điểm số đầu vào cao.
Về quản lý hoạt động vận tải, ông Lưu Thành Đông, Tổng giám đốc Công ty Kim khí Hải Phòng cho biết, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, Nghị định, Thông tư chỉ đạo, hướng dẫn Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương, đơn vị về tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động vận tải. Song hiện nay, tình trạng chung tại các địa phương là thiếu cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động vận tải hành khách; các đơn vị chức năng chưa ngăn chặn triệt để vấn nạn xe bỏ chuyến, xe dù.
Tại khu vực bến xe Thượng Lý (quận Hồng Bàng, Hải Phòng), tình trạng "xe dù, bến cóc" vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Các đội Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hải Phòng, Thanh tra giao thông - Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng liên tục tuần tra, xử lý. Tuy nhiên, khi vắng bóng lực lượng chức năng, "xe dù", xe hợp đồng trá hình, "bến cóc" lại ngang nhiên tái diễn. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh này đã gây khó khăn, thiệt hại trong hoạt động kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp đang hoạt động tại bến xe Thượng Lý cũng như các bến xe khác trên địa bàn.
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng cũng đã có quyết định đình chỉ khai thác tuyến và thu hồi phù hiệu xe của một số đơn vị do vi phạm quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo tuyến cố định trong thời gian 60 ngày liên tục… Sở yêu cầu các đơn vị vận tải vi phạm chậm nhất sau 7 ngày kể từ khi quyết định được ban hành phải nộp lại phù hiệu về cho Sở Giao thông Vận tải; đồng thời, tổ chức kiểm điểm chấn chỉnh quản lý hoạt động của bộ phận điều hành vận tải, điều chỉnh lại phương án kinh doanh cho phù hợp. Nếu có nhu cầu tiếp tục khai thác tuyến và sử dụng phương tiện tham gia kinh doanh vận tải thì đơn vị kinh doanh vận tải phải làm thủ tục đăng ký khai thác tuyến theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và cấp lại phù hiệu theo quy định tại Khoản 8, Điều 1 của Nghị định số 47/2022/NĐ-CP. Bến xe hai đầu tuyến không làm thủ tục cho xe ra, vào bến xe đối với các nốt giờ và phương tiện thuộc diện đình chỉ khai thác tuyến nêu trên…
Từng bước khắc phục những tồn tại trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng, xử lý quyết liệt tình trạng "xe dù, bến cóc", ông Lưu Thành Đông đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải cần có những quy định, chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Địa phương, các ngành, đơn vị liên quan, định kỳ kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải theo chức năng, nhiệm vụ; kiên quyết thu hồi phù hiệu xe, đình chỉ hoạt động đối với các doanh nghiệp không đủ điều kiện, không chấp hành các quy định của Bộ Giao thông Vận tải cũng như quy định chung của từng địa phương.
Theo TTXVN/Báo Tin tức