Các chính sách, pháp luật về giáo dục được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng góp phần xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp ngày càng khang trang, giúp đỡ học sinh (HS) nghèo có thêm điều kiện đến trường, hạn chế tình trạng HS bỏ học, nâng cao trình độ dân trí, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Theo đồng chí Nguyễn Huệ Khải, Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Sở GD&ĐT, hiện nay, Đảng bộ Sở GD&ĐT có 44 đảng viên, sinh hoạt tại 6 chi bộ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ sở đã lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong cơ quan. Trong đó, tập trung làm tốt việc thực hiện chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực GD&ĐT và ban hành các nghị quyết, chương trình hành động, đề án, kế hoạch để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp học, phát triển chất lượng đội ngũ nhà giáo, đảm bảo CSVC, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho chương trình giáo dục mầm non (MN), phổ thông, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, thực hiện lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và nhiệm vụ, kế hoạch giáo dục hằng năm; đồng thời, có giải pháp tích cực, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng xã hội giảm tỷ lệ HS bỏ học, duy trì chất lượng giáo dục ổn định, bền vững, nhất là trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát mạnh… Các chỉ tiêu chủ yếu được Đảng bộ sở lãnh đạo triển khai thực hiện cơ bản đạt và vượt so với kế hoạch được giao, tạo được niềm tin trong nhân dân và hệ thống chính trị.
Giờ thực hành môn Tin học của học sinh Trường THPT iSchool Ninh Thuận.
Kết quả nổi bật thời gian qua là CSVC trường lớp học từng bước được đầu tư khang trang theo hướng kiên cố hóa và đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy-học của cán bộ, giáo viên (CBGV) và HS. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 123/211 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 58,3%, tăng 2,3% so với kế hoạch được giao. Công tác rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp học và đội ngũ CBGV cơ bản được thực hiện đúng quy định, phù hợp với đặc thù mỗi địa phương và đảm bảo các tiêu chí, mục tiêu đề ra. Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 301 cơ sở giáo dục (CSGD) với trên 146.000 HS, giảm 30 CSGD công lập so với năm học 2018-2019.
Công tác xã hội hóa giáo dục, thu hút các nguồn lực, sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân đến sự nghiệp “trồng người” đạt kết quả tích cực. Từ năm 2018 đến tháng 12/2022, số vốn hỗ trợ, đầu tư cho GD&ĐT là 345,161 tỷ đồng. Trong đó, nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân để xây dựng, tu sửa trường, lớp học và CSVC trong các CSGD hơn 38,66 tỷ đồng); các dự án kêu gọi đầu tư tính đến cuối năm 2022 có 7 dự án (đã cấp giấy chứng nhận đầu tư) với số vốn đăng ký là 306,5 tỷ đồng. Qua thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, hệ thống trường MN ngoài công lập được khuyến khích phát triển, góp phần thu hút trẻ MN trong độ tuổi đến trường, giảm tải cho các trường công lập, đáp ứng nhu cầu xã hội và nâng cao chất lượng dạy học.
Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục “mũi nhọn”, phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào chiều sâu. Hằng năm, tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS đạt trên 99,88%, cấp THPT tốt nghiệp trên 95%. Riêng năm học 2022-2023, tỉnh ta có 14 HS cấp THPT đoạt giải HS giỏi quốc gia; có 2/2 dự án tham gia đoạt giải Triển vọng Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia HS trung học. Trong năm 2022, toàn tỉnh đạt chuẩn PCGD MN cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn PCGD tiểu học, THCS và xóa mù chữ mức độ 1; các địa phương được nâng chuẩn như: Huyện Ninh Phước đạt chuẩn PCGD MN 5 tuổi, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đạt chuẩn PCGD MN 5 tuổi và nâng chuẩn PCGD tiểu học lên mức độ 3, huyện Ninh Hải nâng chuẩn PCGD THCS lên mức độ 2…
Cùng với thuận lợi, kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành GD&ĐT còn một số tồn tại, hạn chế, như: Biên chế CBGV, nhân viên còn thiếu ở các cấp học theo định mức quy định, nhất là các môn học và hoạt động giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; CSVC, trang thiết bị phục vụ dạy-học mặc dù đã được quan tâm đầu tư song chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và tổ chức các hoạt động giáo dục; một số CBGV chưa theo kịp yêu cầu đổi mới quản lý, dạy học. Sau sáp nhập, những CSGD có quy mô quá lớn nhưng vẫn tổ chức dạy học ở các điểm trường cũ rất khó khăn trong việc quản lý, điều hành hoạt động của nhà trường; quy mô trường lớp vẫn tồn tại một số bất cập, tình trạng quá tải HS ở một số trường còn xảy ra. Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến, song vẫn chưa thực sự bền vững, nhất là vùng dân tộc tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, còn xảy ra tình trạng HS nghỉ học cách nhật; khả năng tự học của nhiều HS chưa tốt…
Đồng chí Nguyễn Huệ Khải cho biết thêm: Cùng với thuận lợi, kết quả đạt được, ngành GD&ĐT còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Thời gian tới, Đảng bộ sở tiếp tục đoàn kết, nêu cao quyết tâm chính trị, năng lực lãnh đạo thực hiện tốt chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục để kịp thời tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển GD&ĐT; sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh xã hội hóa trên lĩnh vực giáo dục; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự các cơ quan quản lý, CSGD các cấp đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ CBGV, nhân viên… Toàn ngành phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá được giao, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Lâm Anh