Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận, phân tích kỹ lưỡng, cụ thể về bối cảnh, tình hình; những kết quả, hạn chế, nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển KT-XH trong thời gian tới.
Các đại biểu cho rằng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, những kết quả đạt được là tích cực. Nhiều chỉ tiêu của tháng 4 đã có chuyển biến, tín hiệu và xu hướng khả quan, đạt kết quả đáng khích lệ, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn. Tuy nhiên, diễn biến bất lợi, khó lường của thế giới tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng thời gian qua, tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới tăng trưởng giảm, lạm phát vẫn tiềm ẩn, các thị trường lớn của Việt Nam thu hẹp. Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; chú trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; bám sát thực tiễn, nâng cao tính chủ động và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương; tận dụng mọi cơ hội và nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH đã đề ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023.
Sau khi phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong phát triển KT-XH tháng 4 và thời gian qua, về nhiệm vụ trong tháng 5 và thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tháng 5 có nhiều sự kiện quan trọng, nhiều hoạt động đối ngoại. Trong bối cảnh, dự báo tình hình quốc tế thời gian tới còn phức tạp, khó lường; trong nước, khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn, nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề.
Thủ tướng yêu cầu trong chỉ đạo, điều hành phải kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; quan tâm các vấn đề văn hóa, xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, nội dung trình Hội nghị Trung ương 7 và Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Đặc biệt, kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.
Để ổn định kinh tế vĩ mô, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tăng khả năng tiếp cận vốn, giảm lãi suất cho sản xuất, kinh doanh; thực hiện chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác; tiếp tục triển khai các giải pháp thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu, nhất là từ thương mại điện tử, nền tảng số... và chống thất thu thuế; triệt để tiết kiệm chi, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, góp phần giữ ổn định và tạo việc làm, sinh kế cho người dân, giảm chi phí cho doanh nghiệp; có giải pháp kích cầu tiêu dùng; tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách, giải pháp theo các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định liên quan về phòng cháy, chữa cháy.
Để huy động tối đa nguồn lực cho phát triển, Thủ tướng chỉ đạo phát huy vai trò của các tổ công tác và thành viên Chính phủ tích cực làm việc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy phát triển KT-XH các địa phương. Các tỉnh, thành phố khẩn trương thành lập và chủ động, tích cực triển khai hoạt động của Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Tổ trưởng.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục xử lý các vấn đề, dự án thua lỗ, tồn đọng, kéo dài; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các dự án, công trình lớn, trọng điểm, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; quyết liệt triển khai, hoàn thành công tác quy hoạch theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh các giải pháp kích cầu và khai thác hiệu quả thị trường trong nước; tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; khai thác hiệu quả các FTA.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số ở các cấp, ngành, địa phương và huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp; tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia song song với việc liên thông, liên kết thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung; thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao; chú trọng tạo việc làm, kết nối cung - cầu lao động; tiếp tục phòng, chống tham nhũng; đảm bảo quốc phòng, an ninh; tăng cường truyền thông chính sách, đấu tranh với các thông tin xấu độc.
Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời nhắc nhở lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, quyết liệt hơn, có trọng tâm, trọng điểm thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra.
NT