Về Quỹ bình ổn xăng dầu
Theo Báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật Giá (sửa đổi) do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà trình bày, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã thống nhất bỏ 3 điều; bổ sung 5 điều; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung 4 nội dung của các Luật có liên quan đồng thời bổ sung thêm Phụ lục số 1 quy định Danh mục các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Về bình ổn giá, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, giá là vấn đề ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, liên quan ổn định thị trường, do đó cần được quy định cụ thể trong Luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch. Đồng thời, việc quy định rõ danh mục các mặt hàng bình ổn giá trong Luật khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống”. Việc thực hiện quy định hiện hành không phát sinh vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, Luật Giá hiện hành và dự thảo Luật đã quy định trường hợp cần điều chỉnh danh mục các mặt hàng bình ổn giá, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Vì vậy, đề nghị cho giữ như quy định của Luật hiện hành.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Liên quan đến Quỹ bình ổn xăng dầu, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và cơ quan soạn thảo cho rằng, trong điều kiện hiện nay, nên duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu vì Quỹ bình ổn là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. Trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước; quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở; chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài và khi lượng dự trữ xăng dầu còn mỏng, việc bỏ Quỹ là chưa phù hợp.
Thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động, Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động giá, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Luật Giá hiện hành và dự thảo Luật đều không quy định về Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Hiện nay, Quỹ bình ổn giá đang được quy định tại Nghị định. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trong trường hợp vẫn giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị trong quản lý, điều hành, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chính phủ cần bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả. Do Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện vẫn được để tại các doanh nghiệp, vì vậy, Chính phủ cần nghiên cứu để có phương án quản lý phù hợp hơn, bảo đảm rõ ràng về thực trạng nguồn, việc sử dụng Quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả thực tế trong điều hành, nhất là khi biến động; đồng thời có lộ trình để sớm đưa giá xăng dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.
Đối với đề nghị lấy ý kiến nhân dân về sự cần thiết duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo đã gửi xin ý kiến rộng rãi trên trang điện tử của Bộ Tài chính, trong đó có nội dung xin ý kiến đánh giá về sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá, bao gồm cả Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ý kiến của nhân dân còn nhiều ý kiến đa chiều. Tuy nhiên, đa số ý kiến của các bộ, ngành, địa phương (trong đó có Bộ Công Thương, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam) nhất trí về sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá và đề nghị giữ quy định về Quỹ bình ổn giá, bao gồm cả Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, quy định về Quỹ bình ổn giá là cần thiết nhưng cần làm rõ cơ chế quản lý, vận hành quỹ này một cách công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Dẫn chứng Quỹ bình ổn giá xăng dầu vừa qua có nhiều bất cập, đại biểu phân tích, đây là quỹ ngoài ngân sách do doanh nghiệp trích lập, sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước là Bộ Công Thương, được quản lý bởi doanh nghiệp, do đó khó bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng. Đại biểu đề nghị xem xét kỹ nội dung này, Nhà nước can thiệp bằng công cụ chính sách và xây dựng kho dự trữ xăng dầu.
Quy định giá dịch vụ y tế
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Trí phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhận thấy, quy định liên quan đến giá dịch vụ y tế hoặc rất mờ nhạt hoặc gần như không có. Theo đại biểu, giá là vấn đề phức tạp và dễ phát sinh tiêu cực nhất. Trên thực tế, trong công tác đấu thầu, giá là đích đến cuối cùng của mọi cuộc thương thảo. Giá cũng là vấn đề mà đối tượng xấu tìm kẽ hở để “kiếm chác”. Do đó, giá rất quan trọng.
Trong khi đó, đại biểu cho rằng, giá dịch vụ y tế lại quá phức tạp, nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Bởi có nhiều loại hình, hạng mục, chủng loại, như giá có tự chủ, giá không tự chủ, giá có xã hội hóa, giá không xã hội hóa; giá dịch vụ thầy thuốc là bác sỹ, tiến sỹ, phó giáo sư, giáo sư; giá thầy thuốc trong nước với nước ngoài cũng khác nhau. Giá dịch vụ y tế trong khám bệnh, chữa bệnh từ xa khác với khám, chữa bệnh trực tiếp… Do đó, nếu không có luật và để “loạn” cách làm giá dịch vụ, mọi thiệt thòi sẽ trút hết vào bệnh nhân.
Theo đại biểu, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) mà Quốc hội vừa thông qua là thành công rất lớn, đã tháo gỡ được nhiều vấn đề. Tuy nhiên, những vấn đề còn lại chủ yếu vẫn là giá, cụ thể là giá dịch vụ y tế. "Rất nhiều lần trong quá trình soạn thảo bị vướng, khi cử tri hỏi, chúng ta nói rằng, vấn đề này sẽ được sửa đổi trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi). Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có một số điều khá tốt, nhưng giá lại chưa được đề cập", đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Chỉ rõ giá là thành tố rất quan trọng để quyết định việc tự chủ bệnh viện công, đại biểu đề nghị trong Luật Giá (sửa đổi) cần có một số điều đề cập đến giá dịch vụ y tế làm cơ sở xây dựng các thông tư về giá dịch vụ y tế, thuốc, vật tư y tế… sau này.
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Đức phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Qua nghiên cứu một số vụ án liên quan đến vi phạm về đấu thầu, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, việc này có liên quan đến vấn đề thẩm định giá. Đặc biệt, trong các vụ án về trang thiết bị y tế, giá bị thổi lên rất cao. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do lỗ hổng trong quy định của Luật Giá hiện hành (Điều 29 và Điều 42) trao cho thẩm định viên rất nhiều quyền, không có chế tài ràng buộc trách nhiệm của người độc lập thẩm định giá.
Theo đại biểu, quy định trong dự thảo Luật đã tương đối cơ bản và phần nào khắc phục được bất cập này. Cụ thể, Điều 47 và Điều 53 dự thảo Luật quy định quyền và nghĩa vụ của thẩm định viên về giá là độc lập về chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, thẩm định viên về giá không chịu trách nhiệm về Báo cáo kết quả thẩm định giá khi khách hàng thẩm định giá cung cấp thông tin không chính xác về tài sản thẩm định giá.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức chỉ rõ, qua các vụ án cho thấy, có tình trạng giữa người cung cấp thông tin về hàng hóa với thẩm định viên có sự thông đồng, dẫn đến tình trạng thổi giá, giá không chính xác. Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát, đảm bảo chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin giữa các bên liên quan trong vấn đề thẩm định giá vì quy định như dự thảo Luật, chế tài về trách nhiệm đối với thẩm định viên chưa cao.
Theo TTXVN/Báo Tin tức