(NTO) Thực hiện Luật Giao thông Đường thủy và Chỉ thị số 47/2006/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa; Báo Ninh Thuận đã trao đổi với đồng chí Trương Bình Hanh, Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh xung quanh vấn đề này.
- Phóng viên: Xin đồng chí cho biết mục đích, yêu cầu của đợt tổng kiểm tra trật tự ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh?
- Đồng chí Trương Bình Hanh: Mục đích kiểm tra để nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác đảm bảo trật tư ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh nhằm phòng ngừa và ngăn chặn TNGT đường thủy có thể xảy ra, nhất là trong mùa mưa bão sắp đến. Qua kiểm tra, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giao thông, đặc biệt là với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa. Qua đó, phát hiện chấn chỉnh và có biện pháp ngăn chặn những việc làm chưa đúng, việc làm vi phạm quy định pháp luật trật tự ATGT đường thủy nội địa của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn. Đồng thời, khẩn trương kiểm tra tình hình hoạt động của các bến thủy nội địa, kiên quyết xử lý các bến bãi không phép hoạt động, vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa. Xử lý nghiêm các phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, thuyền viên, người lái không có bằng, chứng chỉ chuyên môn. Các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý hệ thống giao thông thủy; kiểm tra, chấn chỉnh những yếu kém trong công tác quản lý sông, bến bãi thủy nội địa như thời gian qua.
- Phóng viên: Vậy đồng chí cho biết những đối tượng và nội dung cần phải kiểm tra? Thời gian nào triển khai thực hiện?
- Đồng chí Trương Bình Hanh: Đối tượng kiểm tra là các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động vận tải thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại khu vực vịnh Vĩnh Hy. Ngoài ra, có thể kiểm tra đột xuất một số khu vực khác trên địa bàn tỉnh. Nội dung kiểm tra gồm: đối với phương tiện, kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, trừ phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc có sức chở dưới 5 người hoặc bè (theo Quyết định số 954/2010/QĐ-UBND ngày 17-6-2010 của UBND tỉnh); kẽ hoặc gắn biển số đăng ký, sơn vạch dấu mớm nước an toàn, số lượng người hoặc hàng hóa được phép chở phương tiện; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện (chứng nhận đăng kiểm); giấy chứng nhận bảo hiểm (đối với phương tiện bắt buộc phải có theo quy định) của từng phương tiện; sổ danh bạ thuyền viên trên phương tiện (đối với loại phương tiện bắt buộc phải có); số lượng và thời gian sử dụng trang-thiết bị trên phương tiện như dung cụ cứu sinh, cứu đắm, dụng cụ phòng cháy chữa cháy…
Đối với người điều khiển phương tiện thủy nội địa: bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn; phân công các chức danh làm việc trên phương tiện và thực tế thực hiện nhiệm vụ của từng chức danh khi phương tiện hoạt động; sắp xếp bố trí hành khách, hàng hóa trên phương tiện; danh sách hành khách trước khi xuất bến và việc phổ biến nội quy an toàn đối với hành khách trên phương tiện; việc dừng đón, đỗ trả khách hoặc hàng hóa.
Đối với cảng, bến thủy nội địa: kiểm tra giấy phép hoạt động cảng, bến thủy nội địa; bố trí các thiết bị chống va, cầu cho người lên xuống, cột bích hoặc phao cho tàu buộc dây, đèn chiếu sáng ban đêm; Bố trí trang thiết bị phòng chống, cháy nổ; nội quy cảng, bến; bố trí hành khách xuống phương tiện.
Thời gian kiểm tra cuối tháng 6, Ban ATGT tỉnh sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành tổng kiểm tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động vận tải thủy nội địa trên địa bàn tỉnh,
- Phóng viên: Xin cám ơn đồng chí!
Xuân bính (thực hiện)