Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Sửa Luật Đất đai quan trọng nhất là chất lượng, đáp ứng kỳ vọng nhân dân

Ngày 25/2, tại tỉnh Bắc Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo: Các bộ, ngành liên quan; Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa chính trị quan trọng với tầm ảnh hưởng rộng lớn. Do đó, ngay từ rất sớm, Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm, tập trung chuẩn bị công tác lấy ý kiến về dự thảo luật. Dự thảo luật là kết quả của sự đóng góp chung của người dân, nhà khoa học, chuyên gia… và đến nay đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị Lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 25/2, tại Bắc Ninh.

Khi nói về tầm quan trọng, ý nghĩa và sự cần thiết của việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật, Phó Thủ tướng nêu, dự thảo luật khi trình Quốc hội và sau khi được ban hành, mục tiêu và kỳ vọng đặt ra là tháo gỡ ngay được các khó khăn, tạo ra những đổi mới đột phá về đất đai trong tầm nhìn dài hạn; phát huy vai trò của bộ luật nhằm thực hiện hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. “Nếu chúng ta làm được điều đó, đây chính là thước đo về năng lực, thể chế hóa các chủ trương của Đảng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trên tinh thần đổi mới, đột phá và đặt ra nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của đất nước trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu rõ, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật như một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn nhân dân, triển khai sâu rộng đến từng thôn xã, tổ dân phố, cơ sở; quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, những lo lắng của nhân dân.

Phó Thủ tướng nêu rõ, Luật Đất đai có nhiều chính sách quan trọng; tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng nhất, hiện nay và xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của nhà nước và người dân. Làm thế nào để có quy hoạch đảm bảo cùng với các quy hoạch tổng thể quốc gia khác, ngành khác, địa phương các cấp phải trùng nhau, không chồng lấn; có thể phối hợp và tạo điều kiện để quản lý tốt hơn, kế thừa, bổ trợ lẫn nhau.

Đặt ra vấn đề “khi bộ luật đưa ra, giá đất phải sát giá thị trường nhưng tại sao không đuổi được?”, Phó Thủ tướng yêu cầu, bài toán đặt ra là xác định đúng giá đất đai, trong đó, tập trung làm rõ làm sao để có chủ trương, phương pháp, thông tin dữ liệu đầu vào đúng.

“Mọi vấn đề xoay quanh giá đất, nhà nước - với trò chủ sở hữu đất đai thì phải phải thu hồi, định giá. Tuy nhiên, hiện có 2 hình thức là các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức có thể tự thỏa thuận hoặc thống nhất thỏa thuận giá rồi nhà nước quyết định thu hồi; nhà nước thu hồi. Những bất cập nếu có 2 mặt bằng về giá là gì trong khi nhà nước phải chịu trách nhiệm đảm bảo công bằng xã hội, hài hòa các lợi ích cũng như các chính sách xã hội. Phải tạo ra thống nhất về giá, chính sách hỗ trợ đền bù tái định cư; từ đó điều chỉnh hài hòa lợi ích 3 bên, vùng này với vùng khác?”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng gợi mở liên quan đến việc phân cấp mạnh mẽ cho người dân và nhà nước thực hiện quyền của mình; giải pháp để đất nông nghiệp vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa là không gian sinh thái; vấn đề tập trung đất đai…

Ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tại hội nghị.

Đóng góp ý kiến về vấn đề giải phóng mặt bằng, ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương cho rằng, đối với dự án đấu thầu thu hồi đất với các dự án thuộc diện tự thoả thuận thì đang có sự chênh lệch về giá và khó khăn thu hồi mặt bằng với các dự án thu hồi đất bằng đấu giá đất sẽ khó hơn dự án giao cho doanh nghiệp tự thỏa thuận. Đây cũng là điểm nghẽn, khi có các dự án mà nhà đầu tư, doanh nghiệp thỏa thuận với người dân thì sự thỏa thuận này cũng cao hơn so với mặt bằng giá của địa phương đặt ra với dự án đấu giá đất, đấu thầu thu hồi đất.

“Nên cùng 1 địa bàn, địa phương người dân đem ra so sánh và là điểm nghẽn gây khiếu kiện đất đai trong triển khai. Cùng địa bàn, cùng mảnh đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm… thì người dân so sánh giá trị dẫn đến khiếu kiện”, ông Bản nêu.

Cùng với đó, theo đại diện tỉnh Hải Dương, hiện địa phương còn có những vướng mắc trong đất cổ phần hoá. Nguyên tắc là các doanh nghiệp cổ phần hoá thì xây dựng phương án cổ phần hoá trong đó có phương án sử dụng đất. Vào thời kỳ 2015-2016 thì theo quy định, cấp có thẩm quyền lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức đấu thầu, tuy nhiên đến năm 2018 thì có những thay đổi của Luật, theo đó đất cổ phần hoá, khi chuyển mục đích thì phải đấu giá.

“Thực tế, có những dự án đã chọn nhà đầu tư rồi nhưng phải quay lại đấu giá, đây là vướng mắc. Đi theo hướng đấu giá thì vướng mắc tiếp, là đất muốn đấu giá thì phải giải phóng mặt bằng sạch mới được đấu giá. Nhưng khi giải phóng mặt bằng sạch lại chưa có cơ chế, không thể tách thành dự án độc lập để giải phóng mặt bằng được. Khi nhà nước giải phóng mặt bằng để đấu giá thì phải bố trí nguồn kinh phí bằng ngân sách là đầu tư công, khi sử dụng đầu tư công thì không thể tách giải phóng mặt bằng để làm riêng được”, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương cho hay.

Còn ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất tại Điều 60 và tại khoản 7 Điều 65 yêu cầu khi lập kế hoạch sử dụng đất, các công trình, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, diện tích để đấu giá quyền sử dụng đất phải xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích đến từng thửa đất trên bản đồ địa chính. Theo ông Hoàn, quy định này sẽ rất khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nhất là các công trình theo tuyến.

“Quy hoạch sử dụng đất được lập cho thời kỳ 10 năm mang tính chất định hướng, chưa xác định rõ mục đích cụ thể tại thời điểm lập quy hoạch. Quá trình thực hiện quy hoạch, thường xuyên có sự thay đổi như quy hoạch chi tiết các dự án; các quy định về quy hoạch giao thông, thủy lợi, hành lang an toàn các công trình.... Nếu quy hoạch sử dụng đất đến từng thửa đất dẫn đến khi quy hoạch xây dựng điều chỉnh phải điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất trước khi đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm mới có căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì sẽ khó trong thực hiện”, ông Hoàn nêu.

Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn góp ý, về thu hồi đất, trưng dụng đất tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cần làm rõ hơn khái niệm về các trường hợp Nhà nước được thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Theo như Điều 78 dự thảo Luật, đang liệt kê các trường hợp dự án Nhà nước được thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, liệt kê như vậy có thể vẫn còn thiếu một số trường hợp khác khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành.

"Tỉnh Lạng Sơn kiến nghị xem xét sửa đổi bổ sung nội dung này theo hướng Nhà nước chỉ thực hiện thu hồi đất đối với các dự án đầu tư công và các dự án không có yếu tố kinh doanh để Luật Đất đai có thể bao trùm được hết các các trường hợp dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng sau khi triển khai thi hành Luật", ông Quỳnh kiến nghị.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã góp ý nhiều vấn đề về quy hoạch đất đai, thu hồi đất, định giá đất, đất tôn giáo, tín ngưỡng...

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các địa phương triển khai lấy ý kiến nhân dân bám sát tinh thần, nghiêm túc, kỹ lưỡng và nhiều hình thức phong phú.

"Việc lấy ý kiến cho thấy các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực, có nơi có hàng nghìn ý kiến, bây giờ chúng ta phải làm sao lắng nghe, phản ánh chính xác ý kiến nhân dân để đưa vào dự thảo luật này", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng khẳng định, Luật Đất đai có tầm ảnh hưởng rộng lớn, ý nghĩa quan trọng, ví như đạo luật gốc, nền tảng mà trên đó sẽ phát triển kinh tế xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh...Bộ luật này có ý nghĩa quan trọng, đặt ra tư duy quan điểm chủ trương chính sách mới trong quản lý đất đai, phòng chống tham nhũng, thực hiện tốt hơn cung cấp các dịch vụ công, cải cách thủ tụch hành chính và đảm bảo bình đẳng công bằng tiến bộ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc lấy ý kiến, quan trọng nhất là chất lượng bộ luật khi ban hành ra phải đáp ứng kỳ vọng nhân dân, mỗi người dân đều hiểu và áp dụng được.

Theo TTXVN/Báo Tin tức