Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ngày 13/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Năm 2022, trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, tuy nhiên được sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, toàn ngành NN&PTNT đã bám sát thực tiễn, nỗ lực vượt khó thực hiện nhiều giải pháp cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng toàn diện, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,36%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Tính đến hết năm 2022, cả nước có 255 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và có 6.009/8.225 xã đạt chuẩn NTM; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%. Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.

Triển khai kế hoạch năm 2023, ngành NN&PTNT quyết tâm thực hiện quyết liệt các giải pháp, tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động trong đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp, lựa chọn những khâu trọng yếu, chiến lượt tạo sự đột phá gắn với cải cách thể chế để khơi thông nguồn lực phát triển. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP ngành khoảng 3,0%, kim ngạch xuất khẩu 54 tỷ USD; thành lập mới 1.500 Hợp tác xã nông nghiệp; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM trên 78%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương tinh thần vượt khó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành linh hoạt, sáng tạo của Bộ NN&PTNT đã tạo nên những kết quả vượt bật. Phát huy những thành tích đó, Thủ tướng đề nghị Bộ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tổ chức sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi hợp lý trên từng vùng, miền. Đổi mới, phát triển mạnh mẽ kinh tế hợp tác, liên kết sâu rộng chuỗi giá trị gắn với kế hoạch sản xuất phù hợp với xu thế tiêu dùng, nhu cầu của thị trường. Phát huy vai trò của Hiệp hội ngành hàng trong xúc tiến thương mại và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực. Chú trọng nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, quan tâm tháo gỡ các rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn để tạo cơ sở cho tăng trưởng của ngành. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Tăng cường công tác tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu; quản lý tốt nguồn tài nguyên rừng, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai...