Thủ tướng chúc người lao động đón Tết 'ấm áp, sum vầy, tràn đầy hạnh phúc'

Sáng 8/1, tại tỉnh Phú Yên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Chương trình “Tết Sum vầy - Xuân gắn kết” năm 2023. Chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tỉnh Phú Yên và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.

Cùng dự có Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bí thư tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Phú Yên.

Báo cáo về công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động năm 2022 và kế hoạch chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động và Chương trình “Tết Sum vầy - Xuân Gắn kết” năm 2023 của tỉnh Phú Yên cho biết, năm qua, các cấp Công đoàn tỉnh Phú Yên thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra. Phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn được giữ vững với những kết quả đáng khích lệ. Công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đảm bảo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Chương trình “Tết sum vầy – Xuân gắn kết 2023". Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trong năm 2022, gần 1.500 đoàn viên, người lao động khó khăn được hỗ trợ kịp thời dịp Tết với số tiền 1,7 tỉ đồng. Công đoàn Viên chức phối hợp tổ chức thăm hỏi, tặng quà hơn 1.000 đoàn viên bị ảnh hưởng dịch COVID-19, bệnh hiểm nghèo…với số tiền hơn 370 triệu đồng.

Trước thềm Tết Quý Mão 2023, các cấp Công đoàn tỉnh Phú Yên tổ chức nhiều hoạt động chăm lo tốt cho đoàn viên khó khăn, nhất là hoạt động Tết Sum vầy thiết thực tại mỗi công đoàn cơ sở...

Phát biểu với đoàn viên Công đoàn, công nhân, người lao động tỉnh Phú Yên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh là nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, mỗi người công nhân và toàn xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho công nhân, người lao động. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành tình cảm, sự quan tâm sâu sắc cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn. Bác từng căn dặn: “Mỗi người công nhân, viên chức là chủ xí nghiệp, chủ nước nhà, phải tự nguyện tự giác giữ kỷ luật lao động, phải làm đủ 8 giờ vàng ngọc, phải giữ gìn của công và thực hành tiết kiệm”.

Thấm nhuần tư tưởng của Bác, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo đặc biệt tới giai cấp công nhân và người lao động; ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách phù hợp. đã đạt được những kết quả quan trọng.

Sau hơn 35 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã tăng về số lượng, trưởng thành về chất lượng; năng động hơn, sáng tạo hơn, chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh; tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò trong phát triển kinh tế-xã hội. Trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng, tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật ngày càng được cải thiện và hội nhập với thế giới. Số công nhân có trình độ cao, nắm vững tiến bộ khoa học, công nghệ tăng lên đáng kể.

Hiện nước ta đang hình thành lớp công nhân trẻ có trình độ học vấn, văn hóa cao, được đào tạo theo chuẩn quốc tế, được rèn luyện trong thực tiễn sản xuất hiện đại với phương pháp làm việc ngày càng tiên tiến. Giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, lao động sáng tạo và khoa học, thể hiện rõ tính nhân dân, tính dân tộc và tính quốc tế sâu sắc.

Thủ tướng xúc động cho biết, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hầu hết anh chị em công nhân đã cảm thông, chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, tích cực cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh. Chuyển sang trạng thái bình thường mới, anh chị em công nhân đã bắt tay ngay vào công việc, làm việc hăng say để những sản phẩm mang thương hiệu “made in Viet Nam” có mặt trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận và chúc mừng thành tích mà tổ chức Công đoàn, công nhân lao động cả nước nói chung, anh chị em công nhân tỉnh Phú Yên nói riêng đã đạt được trong những năm qua, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Công nhân, người lao động tham dự Chương trình “Tết sum vầy – Xuân gắn kết 2023". Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng nhấn mạnh, Tết cổ truyền dân tộc có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần, là dịp để mỗi người con đất Việt hướng về nguồn cội, tổ tiên, để được tụ họp, sum vầy cùng gia đình, tạo không khí phấn chấn, có thêm năng lượng tích cực để bước sang năm mới với nhiều niềm tin, hi vọng, hướng tới những điều tốt đẹp hơn. Việc chăm lo Tết mang ý nghĩa nhân văn cao cả, thể hiện tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của dân tộc ta.

Người đứng đầu Chính phủ biểu dương Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có sáng kiến và tổ chức thành công Chương trình Tết Sum vầy trong nhiều năm qua, góp phần làm mùa xuân thêm ấm áp cho người lao động, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Công đoàn các cấp, các ngành cũng tích cực tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực như “Chợ Tết Công đoàn”, “Tấm vé nghĩa tình’, “Chuyến xe Xuân nghĩa tình”... cho người lao động về quê ăn tết; đồng thời tổ chức đón Tết chu đáo cho những người ở lại; chăm lo người lao động gặp khó khăn, mất việc làm, ốm đau, bị tai nạn, chịu hậu quả thiên tai…

Theo Thủ tướng, đến nay hầu hết doanh nghiệp đã thực hiện tốt việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, có kế hoạch chi tiền lương, tiền thưởng Tết cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp tổ chức phương tiện cho công nhân về quê, chuẩn bị phần quà cám ơn cha mẹ công nhân. Có những doanh nghiệp, tuy rất khó khăn nhưng vẫn cố gắng chăm lo cho người lao động…

“Đây là việc làm thiết thực, thể hiện sự trân trọng, tri ân và ghi nhận sự đóng góp của người lao động, để người lao động gắn bó hơn với doanh nghiệp, xem doanh nghiệp như ngôi nhà thứ hai của mình”, Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng, với một bộ phận anh chị em công nhân, người lao động, việc được sum vầy bên gia đình trong dịp Tết không phải thực sự dễ dàng, không ít người vài năm không được về quê ăn Tết do việc làm không ổn định, thu nhập thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn, nhất là bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19.

Thủ tướng trăn trở, còn không ít chính sách đối với công nhân chưa thật sự phù hợp, chậm đi vào cuộc sống; tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc nắm tình hình, đề xuất các giải pháp đối với những khó khăn, bức xúc của công nhân, người lao động chậm được đổi mới. Một bộ phận cán bộ công đoàn thiếu sâu sát, không nắm chắc tâm tư, nguyện vọng và chưa thực sự là chỗ dựa, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Điều kiện làm việc, ăn ở, sinh hoạt của công nhân một số nơi chưa được bảo đảm. Nhiều công nhân phải làm việc trong môi trường nóng, bụi, bị ô nhiễm ánh sáng, tiếng ồn, độ rung…, ảnh hưởng đến sức khoẻ. Vấn đề nhà ở cho công nhân chưa được giải quyết hiệu quả, càng bộc lộ rõ hơn khi dịch COVID-19 xảy ra, đời sống của công nhân gặp khó khăn.

Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, xã hội, giáo dục, công trình phúc lợi cho công nhân, người lao động còn hạn chế. Nhiều khu công nghiệp chưa quy hoạch diện tích cho các công trình văn hóa, công trình phúc lợi xã hội, thiếu trường học, nhà trẻ, mẫu giáo… 

Chất lượng đội ngũ công nhân vẫn còn bất cập. Một số công nhân, người lao động bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động nên có những việc làm sai trái, ảnh hưởng tới ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân ở nhiều nơi chưa bám sát tình hình thực tế, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ sâu sắc với những khó khăn, vất vả; cho biết Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, người lao động.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm, dành nguồn lực phù hợp để giải quyết các vấn đề căn bản nhằm cải thiện đời sống của anh chị em công nhân, người lao động. Trong đó, tập trung triển khai quyết liệt Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; đồng thời, khẩn trương có giải pháp cụ thể, thiết thực phát triển nhà ở cho công nhân.

“Mục tiêu là để công nhân, người lao động được thụ hưởng thực sự thành quả phát triển của đất nước; để mỗi dịp Tết đến, Xuân về là những giây phút đoàn tụ, sum vầy hạnh phúc của anh chị em công nhân, người lao động với gia đình thân yêu của mình”, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng tin tưởng rằng, không khí đầm ấm của “Tết sum vầy – Xuân gắn kết” sẽ theo chân anh chị em công nhân, người lao động về với gia đình, về các miền quê để cùng làm nên một cái Tết tràn ngập tình yêu thương và hạnh phúc. Những người không có điều kiện về quê cũng sẽ được đón một cái Tết vui tươi, đủ đầy, để tất cả đều có Tết đầm ấm mà không ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng cho rằng, đây sẽ là nguồn lực tinh thần mạnh mẽ để ngay sau Tết, công nhân trở lại làm việc với khí thế mới, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, góp phần phát triển doanh nghiệp, phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, để mọi người dân có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Nhân dịp năm mới Quý Mão 2023 sắp tới, Thủ tướng Chính phủ gửi lời chúc mừng năm mới với những tình cảm tốt đẹp nhất tới toàn thể anh chị em công nhân, người lao động trên toàn quốc. Thủ tướng chúc mỗi gia đình công nhân, người lao động có một cái Tết ấm áp, sum vầy, tràn đầy hạnh phúc và yêu thương; mọi người mọi nhà đều đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, sức khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.

Tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tỉnh Phú Yên và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tặng quà cho doanh nghiệp có đóng góp thành tích tốt trong phong trào công đoàn, xây dựng và phát triển kinh tế của tỉnh Phú Yên; đặc biệt đã trao 220 phần quà Tết cho đoàn viên, công nhân, người lao động xuất sắc và có hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá 288 triệu đồng.

Theo TTXVN/Báo Tin tức