Thủ tướng: Không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm trong chọn thầu cao tốc

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 47/VPCP-CN gửi Bộ Giao thông Vận tải truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát và tổ chức khởi công xây dựng Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến việc thực hiện lựa chọn các gói thầu xây lắp thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. 

Trong đó đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phải thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí; các nhà thầu được lựa chọn phải đảm bảo đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai chất lượng, hiệu quả công trình, dự án. Có thể mời kiểm toán trước, trong quá trình triển khai dự án theo quy định của pháp luật. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan đơn vị liên quan hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật và trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát và tổ chức khởi công xây dựng Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; chịu trách nhiệm triển khai các gói thầu, dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, không để xảy ra sai phạm theo quy định của pháp luật. 

Gói thầu 10 - XL (Km274 +111,86 - Km 289+500) dài hơn 14 km, thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Ảnh (tư liệu) minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Trước đó, ngày 30/12/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát và tổ chức khởi công xây dựng Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. 

Báo cáo nêu rõ: Thực hiện Thông báo số 46 ngày 19/02/2022 và văn bản số 6349 ngày 23/9/2022 của Văn phòng Chính phủ, với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không chia nhỏ gói thầu và phải lựa chọn được nhà thầu xây lắp có năng lực, kinh nghiệm, uy tín; bảo đảm công khai, minh bạch, nghiêm túc, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật; kiên quyết phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các chủ đầu tư đưa ra một số nguyên tắc phân chia gói thầu làm cơ sở triển khai thực hiện. 

Cụ thể, việc phân chia gói thầu phải tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về xây dựng và yêu cầu kỹ thuật của dự án. 

Theo đó, việc phân chia gói thầu xây lắp cần xem xét sự phù hợp về phạm vi, quy mô, tính chất kỹ thuật của công trình; điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn; địa giới hành chính; tính liên tục của các công trình chính (đường, cầu, hầm); phương án điều phối vật liệu đào, đắp; phương án tổ chức thi công; vị trí, số lượng, trữ lượng các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải; đường công vụ nội, ngoại tuyến… để phân chia gói thầu đảm bảo yếu tố kinh tế - kỹ thuật. 

Căn cứ quy định về điều kiện năng lực của nhà thầu, kết quả khảo sát năng lực, kinh nghiệm nhà thầu của các chủ đầu tư để nghiên cứu xác định quy mô gói thầu hợp lý, đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm tham gia dự án, tuân thủ quy định của pháp luật. 

Theo kết quả khảo sát, trong 5 gần đây chỉ có 1 nhà thầu đã thực hiện hợp đồng có giá trị khoảng 3.600 tỷ đồng. 

Trường hợp mở rộng 10 năm gần đây chỉ có thêm 1 nhà thầu đã thực hiện hợp đồng có giá trị khoảng 5.700 tỷ đồng. Các nhà thầu khác đã thực hiện hợp đồng có giá trị nhỏ hơn (5 nhà thầu đã thực hiện hợp đồng có giá trị từ 1.600-2.300 tỷ đồng; 7 nhà thầu đã thực hiện hợp đồng có giá trị từ 1.000-1.500 tỷ đồng; các nhà thầu còn lại thực hiện hợp đồng có giá trị nhỏ hơn 1.000 tỷ đồng). 

Theo nguyên tắc nêu trên, các chủ đầu tư đã trình Bộ Giao thông Vận tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trong đó, đề xuất phân chia 12 dự án thành phần thành 25 gói thầu xây lắp có giá trị từ 3.000-8.000 tỷ đồng. 

Trong đó, 2 dự án thành phần (đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Cần Thơ - Hậu Giang) chia thành 1 gói thầu (không có cầu lớn, hầm, chiều dài dưới 40km); 7 dự án theo tính chất công trình cầu, hầm, chiều dài tuyến chia thành 2 gói thầu. 

Riêng 3 dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh và Hậu Giang - Cà Mau chia thành 3 gói thầu do đây là các dự án có chiều dài tuyến (60 - 90km), chi phí xây dựng từ 13.000 - 15.000 tỷ đồng, có tính chất kỹ thuật phức tạp (gồm 4 công trình hầm, 2 công trình cầu lớn, phạm vi xử lý nền đất yếu lớn). 

Công tác tư vấn giám sát được chia thành 25 gói thầu tương ứng với các gói thầu xây lắp để thuận lợi trong việc giám sát thi công xây dựng và phù hợp năng lực của các tổ chức tư vấn giám sát trong nước. 

Căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và các Nghị quyết, quy định pháp luật liên quan, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 12 dự án thành phần (25 gói thầu xây lắp và 25 gói thầu tư vấn giám sát) để các chủ đầu tư thực hiện chỉ định thầu theo thẩm quyền. 

“Nhằm nâng cao tính đồng bộ, tập trung một đầu mối nhằm quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng thực hiện gói thầu, trong hồ sơ yêu cầu và hợp đồng gói thầu xây lắp đã quy định thành viên đứng đầu liên danh chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, điều hành chung, trực tiếp giao dịch, làm việc với chủ đầu tư trong quá trình thực hiện hợp đồng, sẵn sàng thay thế các nhà thầu yếu kém trong liên danh khi chất lượng, tiến độ thi công không đảm bảo yêu cầu”, Bộ Giao thông Vận tải thông tin. 

Ngày 1/1 vừa qua, Bộ Giao Vận tải đã phối hợp với các địa phương có dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đi qua tổ chức Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và Phát động thi đua tháng cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.  

Đây là lần đầu tiên Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lễ khởi công đồng loạt, kết nối trực tuyến 12 dự án thành phần có quy mô lớn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam. 

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 dài 729 km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị dài 267 km, Quảng Ngãi - Nha Trang dài 353 km và Cần Thơ - Cà Mau dài 109 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 146.990 tỷ đồng.  

Dự án được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026; trong đó, 12 dự án thành phần được chia thành 25 gói thầu, gói thầu có giá trị lớn nhất là gần 8.000 tỷ đồng.

Theo TTXVN/Báo Tin tức