Trong nền báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí điện tử tuy mới ra đời nhưng đã nhanh chóng phát triển về số lượng, chất lượng và ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong đời sống báo chí, đời sống xã hội của đất nước. Đội ngũ báo chí điện tử, báo chí trực tuyến phát triển mạnh mẽ cùng với các nhà cung cấp dịch vụ Internet tạo nên một mạng thông tin báo chí điện tử sôi động có sức thu hút hàng triệu lượt người truy cập hàng ngày.
Nhà báo tác nghiệp (Ảnh VOV)
Báo chí cách mạng Việt Nam đã có lịch sử 86 năm vẻ vang, từ mốc son 1925 đến nay. Đó là 86 năm phấn đấu bền bỉ và giành được những thành tựu to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới và hội nhập quốc tế. Từ vài chục cơ quan báo chí trong ngày đầu giành chính quyền, đến nay đã có trên 500 cơ quan báo chí với hơn 700 ấn phẩm báo chí, 2 đài phát thanh và truyền hình quốc gia, trên 10 đài phát thanh và truyền hình khu vực, 63 đài phát thanh, truyền hình ở các tỉnh, thành phố. Đội ngũ những người làm báo phát triển nhanh chóng, hiện nay có hơn 17.000 nhà báo được cấp thẻ, chưa kể hàng nghìn người viết báo thường xuyên nhưng chưa đủ điều kiện gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam...
Trong nền báo chí cách mạng hùng hậu ấy, báo chí điện tử tuy mới ra đời nhưng đã nhanh chóng phát triển về số lượng, chất lượng và ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong đời sống báo chí, đời sống xã hội của đất nước. Đội ngũ báo chí điện tử, báo chí trực tuyến phát triển mạnh mẽ cùng với các nhà cung cấp dịch vụ Internet tạo nên một mạng thông tin báo chí điện tử sôi động có sức thu hút hàng triệu lượt người truy cập hàng ngày.
Báo điện tử hay báo mạng là loại báo mà người ta đọc nó trên máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng... khi có kết nối internet. Khác với báo in, báo điện tử thường xuyên được cập nhật tin tức. Nó khác so với trang thông tin điện tử về tần suất cập nhật, số người thường xuyên truy cập, nguồn gốc và độ tin cậy của thông tin... Báo điện tử cho phép mọi người trên thế giới tiếp cận và đọc nó không phụ thuộc vào không gian và thời gian. Sự phát triển của báo điện tử đã làm thay đổi thói quen đọc báo của đọc giả và ít nhiều có ảnh hưởng đến việc phát triển báo giấy truyền thống.
Internet là hệ thống thông tin toàn cầu có thể được truy nhập công cộng gồm các mạng máy tính được liên kết với nhau giữa các chính phủ, tổ chức chính trị, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, người dùng cá nhân…trên toàn cầu. Mạng internet mang lại rất nhiều tiện ích hữu dụng cho người sử dụng, một trong các tiện ích phổ thông của internet là hệ thống thư điện tử (email), trò chuyện trực tuyến (chat), máy tính truy tìm dữ liệu (search engine), các dịch vụ thương mại và chuyển ngân, và các dịch vụ về y tế, giáo dục như chữa bệnh từ xa hoặc tổ chức các lớp học ảo… Chúng cung cấp một khối lượng thông tin và dịch vụ khổng lồ trên internet.
Báo mạng điện tử bao gồm nhiều công cụ truyền thống: đó là: văn bản (text), hình ảnh tĩnh và đồ họa (still image & graphic), âm thanh (audio), hình ảnh động (video & animation) và gần đây nhất là các chương trình tương tác (interactive program). Chính vì vậy, báo điện tử được xem như biểu tượng điển hình của truyền thông đa phương tiện, ngày càng có nhiều người sử dụng.
Hiệp hội Báo chí thế giới công bố năm 2004, tức là 10 năm sau khi tờ báo điện tử đầu tiên xuất hiện, lượng độc giả báo điện tử toàn cầu đã tăng 350% trong 5 năm (1999 – 2004). Theo báo cáo Tình trạng thông tin Hoa Kỳ 2004 do Trung tâm nghiên cứu Pew và Dự án cho tính ưu việt báo chí thực hiện, hiện có đến 66% người Mỹ xem tin tức trên mạng. Còn ở Việt Nam, cách đây 14 năm, ngày 19/11/1997, dịch vụ internet chính thức có mặt. Lúc đó, nó được xem là dịch vụ cao cấp dành cho một nhóm cá nhân, tập thể thật sự có nhu cầu. Đến nay, dịch vụ internet không chỉ có mặt ở các đô thị, mà đã lan tỏa rộng khắp 63 tỉnh, thành phố, từ những khu dân cư đông đúc đến các bản làng xa xôi..., gần 30% dân số Việt Nam sử dụng internet hàng ngày.
Để tạo điều kiện phát triển và quản lý loại hình báo chí hiện đại và hữu dụng này, Nhà nước ta đã sớm có nhiều chính sách, giải pháp đúng đắn, phù hợp. Ban đầu, hạ tầng internet Việt Nam chỉ là một hệ thống thiết bị nhỏ, được một đối tác của Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) lúc bấy giờ (nay là Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam) đảm nhiệm. Năm 2002, để tạo động lực cạnh tranh, nhà nước không còn cho phép VNPT độc quyền khai thác hạ tầng kỹ thuật và cho phép thành lập các IXP khác. Quy định này đã làm thị trường Internet Việt Nam có sự đột phá mới. Giá cước ngày càng rẻ. Thủ tục ngày càng đơn giản. Năm 2003, với các quyết định cho giảm cước truy cập sử dụng internet ngang với các quốc gia trong khu vực, thậm chí có khung cước còn rẻ hơn, đồng thời cho phép các doanh nghiệp tự mình áp dụng các chính sách quản lý và ấn định mức cước, số khách hàng thuê bao của các ISP tăng đột biến: VNPT tăng 258%, SPT - 255%, NetNam - 227%, Viettel - 184% và FPT - 174%.
Tháng 5-2003, dịch vụ Internet băng thông rộng, gọi tắt là ADSL, được chính thức tung ra thị trường. Ngay từ buổi ban đầu, dịch vụ này luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Các nhà cung cấp lắp đặt cáp tới đâu, khách hàng đăng ký tới đó. Có nhiều khu vực, dù chưa có cáp nhưng đã có khách hàng đăng ký “chờ”. Sau 5 tháng triển khai, số khách thuê bao dịch vụ ADSL của VNPT và FPT đã đạt đến gần 20.000; sau một năm, số khách thuê bao đã tăng lên đến 71.000 và hiện nay đã lên tới gần 30 triệu người. Chính nhờ công nghệ ADSL, dịch vụ nội dung trên môi trường mạng phong phú hơn thuở ban đầu rất nhiều. Nhiều dịch vụ cao cấp hơn như VoIP, Wi-Fi, các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng (chat, trò chơi trực tuyến, blog...) ngày càng nhộn nhịp. Nhưng quan trọng hơn là khi băng thông lớn, tốc độ truy cập nhanh, Internet Việt Nam đã có sự phát triển đột biến. Bên cạnh các tờ báo điện tử lớn như Vietnamnet, Vnexpress,... các trang web thông tin của các báo, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đều phát triển rất mạnh. Đây không chỉ là nơi cung cấp thông tin cho người đọc mà còn là nơi trao đổi kinh nghiệm, là diễn đàn mở về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống của con người trong môi trường ảo.
Khi mới kết nối, hạ tầng Internet Việt Nam chỉ có cổng kết nối đi Mỹ và Úc với băng thông nhỏ, mức dự phòng thấp. Tháng 5-2005, hạ tầng Internet Việt Nam kết nối với quốc tế đã phát triển đa hướng, trong đó các hướng lớn qua Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Malaysia.
Như vậy là, từ cả hai phía Chính phủ và người dân Việt Nam đều rất nhanh nhạy tiếp cận, sử dụng Internet như một công cụ giao tiếp, công cụ hoạt động trong kỷ nguyên của xã hội thông tin. Nhờ vậy, mặc dù trình độ phát triển kinh tế còn thấp, nhưng Việt Nam đã có tốc độ phát triển Internet và quy mô số thuê bao Internet ở mức cao trong khu vực.
Các chính sách quản lý Internet ở nước ta bao gồm hệ thống các văn bản, trong đó có Nghị định số 55/2001-NĐ-CP (thay Nghị định 21-CP); Thông tư số 04/2001/TT-TCBĐ của Tổng cục Bưu điện về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, và dịch vụ kết nối; Quyết định số 27/2002/QĐ-BVHTT Bộ Văn hoá Thông tin về quản lý và cấp phép cung cấp thông tin, thiết lập trang thông tin điện tử trên Internet; Quyết định số 71/2004/QĐ-BCA (A11) về đảm bảo an toàn, an ninh trong hoạt động quản lý, sử dụng Internet tại Việt Nam...
Hệ thống văn bản pháp luật quản lý hoạt động Internet có mục tiêu là vừa đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông Internet, vừa đáp ứng nhu cầu quản lý nội dung thông tin trên Internet; đảm bảo quyền được thông tin của người dân và nhu cầu phòng chống những thông tin độc hại, ảnh hưởng xấu đến đời sống tinh thần, thuần phong mỹ tục, trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là bảo vệ giới trẻ. Chính phủ Việt Nam xác định, để ngăn chặn các tiêu cực của Internet, phải kết hợp đồng thời cả 3 biện pháp gồm: hành chính, kỹ thuật và giáo dục, trong đó đặc biệt coi trọng biện pháp giáo dục từ gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội… nhằm hướng dẫn, nâng cao ý thức sử dụng thông tin trên Internet của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Người sử dụng Internet sẽ phải nâng cao ý thức sử dụng thông tin, tự mình chắt lọc những nội dung để khai thác những thông tin có lợi, loại bỏ những thông tin xấu.
Những công cụ quản lý do Chính phủ ban hành đến nay hoàn toàn không phải là để ngăn cấm Internet, mà là để tăng cường sử dụng nó một cách hữu hiệu. Hệ thống giải pháp quản lý vừa mang tính lâu dài, vừa mang tính tình thế. Trong kế hoạch năm 2011, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục trình Chính phủ Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định 97 về quản lý Internet trên cơ sở tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức… có liên quan. Đây là quyền và là trách nhiệm của chính phủ của một quốc gia trong thế giới hiện đại, vì cuộc sống văn minh, lành mạnh không chỉ của công dân nước mình, mà còn vì sự an toàn của công dân toàn cầu.
Công nghệ truyền thông hiện đại là những công cụ, quy trình cung cấp, trao đổi thông tin do cuộc cách mạng khoa học công nghệ tạo ra, bao gồm nhiều loại hình có dung lượng và tốc độ truyền thông tin khổng lồ, cực kỳ nhanh chóng. Sử dụng phương tiện truyền thông hiện đại tạo ra động lực quan trọng nhất của sự phát triển. Bên cạnh phát thanh, truyền hình, in ấn đã được hiện đại hóa cao độ, các phương tiện truyền thông hiện đại còn có báo chí điện tử, văn bản số hóa, hòm thư điện tử, thông tin trực tuyến, webblog, faceblog, twiter… Chúng là những sản phẩm kết hợp nhiều loại hình truyền thông khác nhau, ví dụ: kết hợp truyền hình với điện thoại; kết hợp truyền thanh với hình ảnh động; kết hợp thông tin với giải trí…
Nhờ tốc độ và quy mô truyền thông cực lớn, các phương tiện truyền thông hiện đại đã kết nối công dân giữa nước này với nước kia một cách nhanh chóng, chặt chẽ, tạo thành một mạng xã hội toàn cầu, một thế giới mạng kỳ lạ đối diện với thế giới thực quen thuộc của chúng ta. Trước tình hình mới, các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội đã đi đầu trong việc triển khai, ứng dụng công nghệ truyền thông hiện đại trong mọi hoạt động và bước đầu đạt nhiều thành tựu.
Trong công tác tư tưởng nói chung và báo chí nói riêng, thành tựu của công nghệ truyền thông hiện đại đã được ứng dụng rộng rãi. Đến nay, hầu hết các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp… đều xây dựng trang tin điện tử của mình. Tuy nhiên, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại trong công tác tư tưởng của Đảng còn nhiều bất cập.
Đặc biệt, các hoạt động thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội trên mạng điện tử Internet còn non yếu, tỏ ra yếu thế trước dự bùng nổ mạnh mẽ, phức tạp của cộng đồng mạng xã hội ở Việt Nam. Có thể nói, tiếng nói và sự hiện diện trên mạng của các cơ quan thông tin, tuyên truyền của Đảng chưa đủ cả về dung lượng, tần suất và chất lượng. Mạng điện tử Internet là một trận địa xung yếu nhất trong toàn bộ công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền của Đảng nhưng lại là thế mạnh hiện thời của các thế lực chống đối, thù địch. Nếu không được xử lý kịp thời, đó sẽ trở thành nguy cơ không thể xem thường.
PGS. TS Nguyễn Viết Thảo
(Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam