Tham dự hội nghị còn có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và hơn 700 đại biểu đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương; Tỉnh ủy, Thành ủy; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố và cơ quan báo chí trung ương và địa phương... Về phía tỉnh Ninh Thuận có các đồng chí: Trần Minh Nam, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Báo Ninh Thuận; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh .
Toàn cảnh Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Tại hội nghị, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo công tác báo chí năm 2022 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023. Theo đó, năm 2022, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, khó dự báo với các yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu. Trong nước, năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm có ý nghĩa quan trọng tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đề ra; cũng là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức phát động Ngày Chuyển đổi số quốc gia, với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”.
Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo công tác báo chí năm 2022 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.
Trong bối cảnh đó, bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tình hình thực tiễn đất nước, công tác báo chí đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật. Theo đó, công tác chỉ đạo, quản lý và hoạt động báo chí tiếp tục bám sát mục tiêu phát triển theo định hướng Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” gắn với công cuộc chuyển đổi số. Đồng thời, tiếp tục được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, nhạy bén, hiệu quả; quyết liệt chấn chỉnh, xử lý sai phạm và dấu hiệu sai phạm trong hoạt động báo chí, nhất là đối với những vấn đề liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc nhằm hỗ trợ báo chí phát triển đúng định hướng, lành mạnh…
Đồng chí Trần Minh Nam, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dự tại hội nghị.
Triển khai phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp hoạt động năm 2023, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: Có 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan hội; 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với cơ quan chủ quản báo chí; 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp đối với cơ quan báo chí.
Sau đó, Hội nghị cũng đã nghe các đại biểu báo cáo các tham luận với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết về các chủ đề: Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; triển khai quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 tại TP.Hồ Chí Minh, kết quả đạt được và những kiến nghị, đề xuất; đổi mới, sáng tạo về tuyên truyền xây dựng Đảng qua các trang thông tin đặc biệt trên Internet; chuyển đổi số trong phân phối nội dung của Đài Truyền hình Việt Nam bằng việc hình thành nền tảng truyền hình số quốc gia; Đài Tiếng nói Việt Nam và sứ mệnh lan tỏa Hệ giá trị quốc giá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xây dựng môi trường báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại – Nhìn từ thông tấn xã Việt Nam; truyền thông chính sách-Những vấn đề cần quan tâm; xây dựng báo chí nhân văn, tử tế; xây dựng môi trường làm báo văn hóa, người làm báo văn hóa – Nhìn từ vai trò của cấp Hội Nhà báo; về quản lý các văn phòng đại diện và phóng viên thường trú tại Nghệ An – Kinh nghiệm và một số đề xuất, kiến nghị; sử dụng mạng xã hội trong việc tổ chức thực hành các kỹ năng báo chí đa nền tảng cho sinh viên báo chí; thông tin, tuyên truyền về kinh tế-xã hội, ổn định dư luận, tạo sự đồng thuận, tin tưởng của người dân; công tác thông tin đối ngoại quốc phòng và chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; báo chí nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cỗ vũ xây dựng văn hóa liêm chính người cán bộ; phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với công tác thông tin tuyên truyền nhiệm vụ chính trị …
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, năm 2023 là năm bản lề trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đòi hỏi các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo và các cơ quan chủ quản, quản lý báo chí cần phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong năm 2022; triệt để khắc phục những tồn tại, hạn chế để “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Đồng thời, tiếp tục làm tốt sứ mệnh của báo chí, phát huy vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương lần thứ 5 và 6; các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng trong cả nước; các kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ, Quốc hội; Đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian tới các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí cần quán triệt tốt các chủ trương, đường lối của Đảng đối với hoạt động báo chí; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tương, đạo đức, phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh; rà soát việc triển khai thực hiện công tác quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, kiện toàn tổ chức bộ máy báo chí, xuất bản bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực báo chí; chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 gắn với phát huy nhân tố nguồn nhân lực, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ trên nền tảng đa phương tiện và đạo đức trong sáng của người làm báo cách mạng.
Lãnh đạo các cơ quan báo chí dự hội nghị.
Đồng thời, chú trọng xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh tại các cơ quan báo chí; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động; tuyên truyền mạnh mẽ hoạt động thông tin đối ngoại, đồng hành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc; tích cực tham gia làm tốt công tác an sinh xã hội để lan tỏa tinh thần báo chí cách mạng Việt Nam…
Tại Hội nghị, thay mặt Ban tổ chức, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phát động hưởng ứng tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025 theo Quyết định số 1256/QĐ-TTg, ngày 9/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã trao Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho 32 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2022.
Văn Nỷ