Hoạt động các sở, ngành, địa phương

* Trong năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước đạt 32.035,9 tỷ đồng, tăng 32,5% so với năm 2021. Trong đó, ngành bán lẻ hàng hóa đạt 25.354,0 tỷ đồng, chiếm 79,1% và tăng 26,6%; dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 4.277,4 tỷ đồng, chiếm 13,4% và tăng 65,8%; du lịch lữ hành đạt 7,7 tỷ đồng, chiếm 0,02% và tăng 469,1%; dịch vụ khác đạt 2.396,8 tỷ đồng, chiếm 7,5% và tăng 52,6% so với cùng kỳ. Riêng vận tải hành khách ước đạt 9,1 triệu lượt khách, tăng 217,1% so với năm trước và luân chuyển 728,9 triệu lượt khách.km, tăng 220%; vận tải hàng hóa ước đạt 11,1 triệu tấn, tăng 36,9% so với năm trước và luân chuyển 845 triệu tấn.km, tăng 36,4%.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại Siêu thị CoopMart Thanh Hà. Ảnh: Văn Nỷ

* Kết thúc năm 2022, giá trị sản xuất ngành Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng trên địa bàn huyện Ninh Phước đạt 4.476,3 tỷ đồng, vượt 1,97% kế hoạch năm, tăng 10% so với năm 2021. Trong năm, huyện triển khai thi công 2 dự án: Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2 và điện mặt trời Phước Thái 3, với tổng công suất 150MW, kinh phí đầu tư 2.363,3 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện hoàn thành 13 dự án điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất 489,221 MW, tổng kinh phí đầu tư 15.161,7 tỷ đồng. Riêng điện áp mái nhà, tính đến nay có 525 khách hàng, với tổng công suất lắp đặt 70.199,45 KW, tăng 32 khách hàng/9.835,98KW so với cuối năm 2021. Toàn huyện phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật 71 công trình, kế hoạch lựa chọn nhà thầu 66 công trình, quyết toán 40 công trình. Ước giải ngân 75,473 tỷ đồng, đạt 95,56% kế hoạch. Gồm: Vốn năm trước chuyển sang 10.087 triệu đồng, đạt 96%; vốn tỉnh phân bổ 55.957 triệu đồng, đạt 95%; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 8.059 triệu đồng, đạt 100%; vốn tăng thu ngân sách huyện bổ sung 1.140 triệu đồng, đạt 100%.

Sản phẩm gốm Bàu Trúc (Ninh Phước) ngày càng được thị trường tiêu thụ mạnh. Ảnh: Văn Nỷ

* Trong năm 2022, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các Ngân hàng thương mại ( NHTM) trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp; đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng, tiếp tục xác định đối tượng doanh nghiệp đang có khó khăn và có các biện pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xuất khẩu; dịch vụ du lịch, lưu trú, nhà hàng, khách sạn, vui chơi, giải trí chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các NHTM đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho 58 doanh nghiệp, với dư nợ gốc 96 tỷ đồng. Đến cuối năm, tổng số doanh nghiệp vay vốn ngân hàng trên địa bàn 1.150 doanh nghiệp, với dư nợ đạt 11.345 tỷ đồng, giảm 73 tỷ đồng, giảm 0,6% so với cuối năm 2021, chiếm 31,1% dư nợ cho vay của các NHTM trên địa bàn.