Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Tọa đàm phản biện Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế đô thị

Ngày 12/12, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức tọa đàm phản biện Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế đô thị, trọng tâm là xây dựng Phan Rang -Tháp Chàm thành thành phố thông minh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì buổi tọa đàm. Tham dự có lãnh đạo Sở Xây dựng, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, chuyên gia Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Đến nay trên địa bàn tỉnh có 4 đô thị, trong đó: 1 đô thị loại II là thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và 3 đô thị loại V là Tân Sơn (Ninh Sơn), Phước Dân (Ninh Phước) và Khánh Hải (Ninh Hải). Ngoài ra còn có 2 đô thị thành lập mới là Lợi Hải (Thuận Bắc) và Phước Đại (Bác Ái). Theo Dự thảo Dự án phát triển kinh tế đô thị, trọng tâm là xây dựng Phan Rang -Tháp Chàm thành thành phố thông minh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giai đoạn 2021-2025 sẽ có 9 đô thị, trong đó thành lập 5 đô thị loại V mới, chủ yếu là các đô thị trung tâm huyện lỵ. Giai đoạn 2026-2030, có 12 đô thị, trong đó có 3 đô thị loại V thành lập mới, còn lại là các đô thị hiện hữu phát triển, mở rộng khu vực đô thị hóa và 1 đô thị loại II là Phan Rang- Tháp Chàm; 3 đô thị loại IV là Tân Sơn, Phước Dân, Lợi Hải; 8 đô thị loại V là Phước Đại, Thanh Hải, Lâm Sơn, Hòa Sơn, Công Hải, Phước Nam, Cà Ná, Vĩnh Hy.

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì tọa đàm.

Nghị quyết cũng đề ra một số chỉ tiêu, đến năm 2025, phấn đấu kinh tế khu vực đô thị chiếm 75% tổng sản phẩm nội tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người khu vực đô thị 170 triệu đồng/năm. Năm 2030, Ninh Thuận cơ bản đạt các tiêu chí về phát triển bền vững, kinh tế đô thị đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh, chiếm 50% tổng sản phẩm nội tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người khu vực đô thị 220 triệu đồng/năm. Trong đó Tp.Phan Rang - Tháp Chàm chiếm tỷ trọng 90% kinh tế đô thị toàn tỉnh và đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện các mục tiêu đề ra.

Sau khi nghe báo cáo tại hội nghị, các đại biểu đồng tình và thống nhất cao với sự cần thiết phải ban hành nghị quyết và tham gia góp ý, phản biện một số vấn đề như: Xem xét lại tiêu đề để gần với thực tiễn hơn; đánh giá thực trạng nên gần với thực trạng phát triển đô thị của tỉnh; giải pháp thực hiện cần cụ thể từng vấn đề; phân tích lợi thế, định hướng phát triển ngành nghề, tạo việc làm ổn định trong phát triển kinh tế đô thị. Về phương hướng phát triển đô thị trong thời gian đến, các đại biểu cho rằng mục tiêu đề có thực sự phù hợp với tốc độ phát triển đô thị hiện tại của tỉnh; ngoài ra, phát triển đô thị cần bảo đảm phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan đô thị gắn với phát triển bền vững; ưu tiên phát triển đô thị có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế, các đô thị có ảnh hưởng phát triển cho vùng hoặc tiểu vùng.

Kết luận buổi tọa đàm, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá cao ý kiến tham gia phản biện sâu sắc, mang tính trải nghiệm từ thực tiễn sinh động trong phát triển kinh tế của tỉnh thời gian qua của các vị nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, chuyên gia, Hội đồng tư vấn. Đồng chí đề nghị cơ quan soạn thảo và nhóm tư vấn cần tiếp thu một cách tốt nhất có thể các ý kiến phản biện để bổ sung vào Dự thảo Đề án, Nghị quyết cho hoàn chỉnh để đảm bảo tính khả thi; cần cập nhật chủ trương cốt lõi của Đảng, Nhà nước, của Trung ương và của tỉnh xung quanh vấn đề xây dựng và phát triển đô thị hiện nay; cập nhật và bổ sung các chỉ tiêu, sao cho các chỉ tiêu đó phải đảm bảo thống nhất với các nghị quyết và chương trình hành động của Tỉnh ủy không được sai lệch. Đặc biệt nếu sửa đổi tiêu đề, thì chú ý nội dung phải đề cập một liều lượng nào đó nhất định về xây dựng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm thành thành phố thông minh, vì đây là nội dung trọng tâm trong phát triển kinh tế đô thị và phải đưa ra nhiệm vụ tương xứng với thành ủy Phan Rang - Tháp Chàm khi thực hiện nghị quyết; xác định rõ các tiềm năng, lợi thế, lĩnh vực, không gian phát triển, quy mô... để nghị quyết mang tính bền vững, đi vào cuộc sống và phát huy tính hiệu quả.