Phát triển bền vững giúp chống được sa mạc hóa

Trong bức thông điệp nhân Ngày thế giới chống sa mạc hóa (17/6), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng người dân sinh sống tại các vùng đất đai khô cằn của thế giới rằng sẽ là những nạn nhân đầu tiên của nghèo đói và biến đổi khí hậu.

Do đó, giải pháp tốt nhất đối với các chính phủ trong việc làm ra đủ lương thực nuôi sống người dân là phải phát triển bền vững.

Ông Ban Ki-moon phát biểu khẳng định quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các khu rừng khô hạn là nhiệm vụ trung tâm để chống tình trạng sa mạc hóa. Các biện pháp này là biến các vùng đất bạc màu thành nơi sản xuất.

Ông Ban Ki-moon ủng hộ chính phủ các nước đầu tư nhiều hơn nữa để biến các khu vực đất đai cằn cỗi thành vùng đất trù phú cho các cộng đồng địa phương.

Thông qua các sự kiện sắp tới tại hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, xói mòn đất, hạn hán vào tháng 9/2011 và Hội nghị Rio+20 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững tháng 6/2012, Tổng Thư ký Ban Ki-moon yêu cầu chính phủ các nước và các đối tác của họ chú trọng hơn nữa nhằm đối phó với những thách thức cấp bách của phát triển bền vững.

Đại hội Đồng Liên hợp quốc lấy năm 2011 là Năm Quốc tế về rừng để thu hút sự quan tâm của toàn thế giới đến các giá trị của rừng và cái giá phải trả trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường khi rừng bị tàn phá.

Chủ đề của Ngày thế giới chống sa mạc hóa năm nay là "Rừng giúp cho các vùng đất khô hạn trở nên có ích."

Ngày thế giới chống sa mạc hóa, được tổ chức lần đầu tiên năm 1995, là sự nhắc nhở thế giới rằng việc tham gia và hợp tác của các cộng đồng có thể giải quyết vấn đề sa mạc hóa./.

Theo baomoi