Tính từ năm 1993, Luật Xuất bản đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2004, 2008 và 2012. Luật Xuất bản năm 2012 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20/11/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản, nhiều đại biểu cho rằng sau khi ban hành, Luật Xuất bản đã từng bước đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, bên cạnh những mặt ưu điểm, Luật cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, phát sinh nhiều vấn đề mới, cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn thời gian tới.
Phù hợp với xu thế phát triển của xuất bản hiện đại
Đánh giá về việc thực hiện các quy định liên quan đến xuất bản xuất bản phẩm điện tử, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Sau khi Luật Xuất bản và Nghị định 195/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản được ban hành, từ năm 2015, hai nhà xuất bản bắt đầu thử nghiệm xuất bản xuất bản phẩm điện tử với kết quả đạt 1.163 đầu xuất bản phẩm, chủ yếu là xuất bản phẩm chính trị, văn hóa xã hội, dưới dạng sách scan từ sách in. Từ năm 2016 - 2018, mặc dù số lượng đăng ký tăng lên 4 nhà xuất bản nhưng số lượng đầu sách điện tử giảm mạnh. Hết năm 2018, số lượng sách điện tử chỉ đạt 86 đầu sách. Từ năm 2019, sau khi có chủ trương tháo gỡ điều kiện kinh doanh tại Nghị định 150/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi bổ sung điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông được quy định tại Nghị định 195/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản, số lượng các nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản xuất bản phẩm điện tử tăng dần. Hết năm 2019, đã có 6 nhà xuất bản tham gia xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử với trên 2500 đầu sách, song chất lượng chưa cao, chủ yếu theo định dạng sách PDF với các trải nghiệm tiện ích cho độc giả rất hạn chế. Từ năm 2020, thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Thủ tướng Chính phủ, các chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, sự ủng hộ của cơ quan chủ quản, sự quyết tâm của các nhà xuất bản và một số doanh nghiệp công nghệ thông tin, số lượng nhà xuất bản tham gia tăng nhanh. Đến hết tháng 11/2022, đã có 17 nhà xuất bản, 11 cơ sở phát hành đăng ký phát hành xuất bản phẩm điện tử.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật xuất bản 2012. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Thị trường xuất bản phẩm điện tử dần được hình thành. Dù còn ít về số lượng với khoảng 2.000 đầu sách/năm nhưng ngày càng đa dạng về nội dung với loại hình, tích hợp nhiều tính năng tăng, trải nghiệm cho người đọc, người nghe, là cơ sở để hình thành một thị trường sách điện tử với trên 2 triệu người đăng ký tài khoản. Các nhà xuất bản tham gia đăng ký hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử đều thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định. Việc tranh hấp bản quyền điện tử giữa các đơn vị rất ít và cũng đã được các đơn vị chủ động giải quyết trên cơ sở tôn trọng bản quyền.
Ông Nguyễn Nguyên chỉ rõ: Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện xuất bản phẩm điện tử. Mặc dù xuất bản điện tử đang là xu thế phát triển của xuất bản hiện nay và xuất bản điện tử ở Việt Nam đang dần phát triển trong 2 năm trở lại đây nhưng nhìn chung còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Hiện xuất bản điện tử mới đạt 7% về số đầu sách và khoảng 5% về số bản sách, ở mức trung bình thấp trong khu vực. Đến thời điểm hiện nay, 17/57 nhà xuất bản được cấp đăng ký hoạt động xuất bản và phát hành điện tử nhưng trên thực tế, mới chỉ có 3 cơ quan chủ quản bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ - kỹ thuật tiên tiến cho nhà xuất bản để xuất bản xuất bản. Việc kiểm soát thị trường xuất bản phẩm điện tử, ngăn chặn các hành vi xâm phạm bản quyền của các cơ quan quản lý còn rất khó khăn do tính phức tạp của không gian mạng, thương mại điện tử cũng như không đủ nguồn nhân lực...
Từ thực tiễn trong sản xuất xuất bản phẩm điện tử, đại diện Nhà xuất bản Trẻ nhận định: Với sự phát triển của khoa học công nghệ, sự lan tỏa mạnh mẽ của truyền thông công nghệ số, xuất bản phẩm điện tử đã, đang và sẽ là một xu hướng tiêu dùng mới, tiếp cận đến đa số các đối tượng độc giả. Đối với việc quản lý xuất bản phẩm điện tử, đại diện Nhà xuất bản Trẻ cho rằng xuất bản phẩm điện tử lậu (audiobook, ebook) xuất hiện tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng cho các đơn vị thực hiện kinh doanh xuất bản phẩm điện tử hợp pháp mà còn gây ảnh hưởng đến những đơn vị kinh doanh sách truyền thống (sách giấy). Mặc dù, pháp luật đã có những quy định cụ thể về những chế tài xử lý vi phạm đối với tình trạng này tại Luật Xuất bản và Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản; nhưng vấn nạn Xuất bản phẩm điện tử lậu vẫn tồn tại và diễn biến ngày càng phức tạp. Trước tình hình đó, Nhà xuất bản Trẻ kiến nghị Cục Xuất bản, In, Phát hành xem xét lại những quy định pháp luật có liên quan, tăng cường sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc xử lý triệt để tình trạng xuất bản phẩm điện tử lậu; đề nghị cơ quan quản lý quốc gia về an ninh mạng nên có cơ chế lọc, xóa bỏ, tổ chức phạt vi phạm đối với những trang web cố ý kinh doanh, cung cấp xuất bản phẩm điện tử lậu.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng đối với xuất bản phẩm điện tử cần được quy định rõ hơn vì trong điều kiện ngày càng phát triển của công nghệ số, các sản phẩm điện tử có nhiều dạng khác nhau, được tích hợp đưa lên môi trường khác nhau và ngày càng phức tạp nên cần giải thích rõ để các tổ chức, cá nhân hiểu rõ, tránh nhập nhằng và xác định rõ thế nào là xuất bản phẩm điện tử; đồng thời bổ sung thêm quy định cho các dạng xuất bản phẩm điện tử về cách thức thực hiện từ khâu xuất bản, phát hành; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hành xuất bản phẩm điện tử.
Sắp xếp lại hệ thống nhà xuất bản hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa
Trên cơ sở Quy hoạch phát triển nhà xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các địa phương đã ban hành quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành cấp tỉnh để có cơ sở sắp xếp, phân bố mạng lưới nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành bảo đảm tính phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương, góp phần hình thành mạng lưới xuất bản, in và phát hành từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng nhu cầu xã hội. Tính đến tháng 10/2022, cả nước có 57 nhà xuất bản, 2.310 cơ sở in và khoảng 505 doanh nghiệp, 1.400 điểm phát hành. Năm 2020 và nửa đầu năm 2021, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, số lượng xuất bản phẩm trong thời gian này có giảm, toàn ngành đã xuất bản được 64.816 đầu sách, 777 triệu bản sách, đưa tỷ lệ sách bình quân đầu người đạt 4,3 bản/người/năm, tăng 1,1 lần so với năm 2012. Chất lượng sách ngày càng được nâng cao, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu đọc đa dạng của nhân dân...
Đối với quy định về loại hình tổ chức nhà xuất bản, theo ý kiến của Cục Xuất bản, In và Phát hành, các nhà xuất bản hoạt động theo hai loại hình khác nhau là: Đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có quy định riêng về cơ chế cho từng loại hình hoạt động nên đã hình thành sự bất bình đẳng giữa các nhà nhà xuất bản trong việc hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của cơ quan chủ quản. Các nhà xuất bản hoạt động theo loại hình doanh nghiệp không thể tiếp cận được sự hỗ trợ từ cơ quan chủ quản về trụ sở, kinh phí hoạt động do vướng mắc với các quy định của các Luật: Doanh nghiệp, Đất đai, Ngân sách... Một số cơ quan chủ quản đã chấp thuận chuyển đổi loại hình hoạt động của nhà xuất bản từ doanh nghiệp về đơn vị sự nghiệp công lập để tháo gỡ khó khăn cho nhà xuất bản trực thuộc nhưng lại không có quy định pháp luật hướng dẫn cụ thể nên không thực hiện được. Mặt khác, hiện chưa có quy định rõ ràng để phân loại nhà xuất bản hoạt động theo mô hình sự nghiệp công lập hay mô hình doanh nghiệp. Chỉ có sự phân loại như vậy mới có thể đưa ra những quy định về cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển phù hợp cho từng loại hình nhà xuất bản. Cần có quan điểm xuyên suốt, thống nhất khi xây dựng quy định pháp luật về xuất bản và pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, để phát triển theo mô hình hiện đại, chuyên nghiệp, đủ năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập, các loại hình tổ hợp, tập đoàn xuất bản cần được nghiên cứu bổ sung và có những điều chỉnh cho phù hợp với tính đặc thù của hoạt động xuất bản trong Luật Xuất bản.
Đồng tình với nhận định này, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam kiến nghị việc xác định loại hình, tổ chức của nhà xuất bản cần nghiên cứu kỹ, bởi Nhà nước ta đã có quy định về việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó có việc chuyển dần các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, điều quan trọng trong sửa Luật Xuất bản lần này là cần nghiên cứu quy định cụ thể để các cơ quan chủ quản của nhà xuất bản làm căn cứ, từ đó xác định loại hình tổ chức cho phù hợp. Mặt khác cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về các chính sách đặc thù cho các doanh nghiệp là nhà xuất bản, không coi nhà xuất bản như doanh nghiệp thông thường khác, tạo ra sự bất bình đẳng giữa đơn vị sự nghiệp công lập với doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, nếu không sự có quy định vấn đề này, xu hướng các nhà xuất bản đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp sẽ xin quay trở lại mô hình đơn vị sự nghiệp, vô hình chung sẽ không thực hiện được việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời khó thực hiện được mục tiêu xây dựng tổ hợp xuất bản mạnh, ngang tầm khu vực, có khả năng dẫn dắt thị trường.
"Chúng ta cần rà soát lại các quy định của Luật hiện nay về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chủ quản, từ đó đề xuất sửa đổi theo hướng cụ thể, sát thực tế, có tính khả thi, giám sát được trách nhiệm của các cơ quan chủ quản" - ông Hoàng Vĩnh Bảo nói.
Theo TTXVN/Báo Tin tức